MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
2 gia đình chưa nhận được con sau khi phát hiện nhầm lẫn cách đây 6 năm

Giải quyết vụ trao nhầm con ở Ba Vì trước ngày 20.7

L.Hà LDO | 14/07/2018 15:15
Vụ trao nhầm con 6 năm trước tại Bệnh viện (BV) đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội phải giải quyết trước ngày 20.7.

Sự cố trao nhầm trẻ sơ sinh xảy ra giữa 2 gia đình anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, xã Tây Đằng) và chị Vũ Thị Hương (35 tuổi, xã Phú Sơn) xảy ra từ ngày 1.11.2012. Đến đầu năm nay, 2 gia đình phát hiện ra sự việc sau khi có kết quả xét nghiệm ADN.

Sau khi làm việc với BV đa khoa Ba Vì, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu BV phải giải quyết vụ việc này sớm và đảm bảo sự đồng thuận của hai gia đình bị trao nhầm con. Các vấn đề pháp lý, tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho trẻ... có thể thực hiện sau.

Theo báo cáo của BV đa khoa Ba Vì, các gia đình đề nghị BV hỗ trợ một khoản chi phí khoảng 300 triệu đồng tổn thất do sự cố trao nhầm con suốt 6 năm qua.

Tuy nhiên, phía BV đa khoa Ba Vì cho rằng, quỹ đền bù rủi ro của BV khó đáp ứng được yêu cầu của gia đình hai bên nên chưa thống nhất việc bồi thường. Gia đình anh Phùng Giang Sơn đã gửi đơn kiện đến Tòa án huyện Ba Vì để mong  sớm giải quyết vụ việc và nhận lại con. Tuy nhiên, hiện tòa chưa thụ lý vụ án vì còn một số vấn đề pháp lý vướng mắc. 

BV đã có công văn gửi TAND huyện Ba Vì xem xét giải quyết vụ việc theo pháp luật.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc BV đa khoa Ba Vì, cho rằng: Vụ việc không giải quyết nhanh sẽ kéo dài thời gian hai cháu được trở về với gia đình của mình, đồng thời ảnh hưởng đến gia đình và tâm lý của các trẻ.

Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm chương trình chăm sóc và giao nhận trẻ sơ sinh theo đúng quy định.

Liên quan đến vụ việc trao nhầm con, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng: Việc trao nhầm con là hy hữu, không may xảy ra và xảy ra ngoài ý muốn. Vụ việc tại BV đa khoa Hoà Bình diễn ra đã lâu. Giờ, nhân viên y tế không còn nhớ các tình huống. Tuy nhiên, lỗi này có thể do ê-kíp đỡ sinh hôm đó thực hiện không đúng quy trình. 

"Vụ việc để lại hậu quả cho cả 2 gia đình. Có gia đình vì con không giống cha mẹ sinh ra mà xảy ra cãi vã, ly hôn. Về mặt pháp lý, các gia đình có thể ra cơ quan hộ tịch, đổi lại họ tên cho người/trẻ bị nhầm… theo quy định. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là trẻ bị trao nhầm có chấp nhận cha mẹ mới và ngược lại, người cha, mẹ có chấp nhận đứa con mới mà thực tế đó mới là con ruột của mình", TS Quang nói.

Đánh giá về vụ việc nhầm lẫn hy hữu này, TS Quang cho biết thêm: Nhân viên y tế trong kíp sinh hôm đó đã bị xử lý kỷ luật. Còn về mức bồi thường về vật chất và tinh thần cho 2 gia đình, hiện có các mức bồi thường khác nhau đã được pháp luật quy định. Trong đó, nếu các bên không thể thoả thuận sẽ phải ra toà, tại đây, toà án sẽ xem xét mức thiệt hại và ra mức bồi thường cụ thể. Theo tôi, không nên quá căng thẳng về mặt vật chất mà cần xem xét về tình người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn