MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giảm tác hại thuốc lá: Một hướng tiếp cận của công ước khung

Linh Nghi LDO | 23/08/2021 16:06

Theo Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC), việc giảm gánh nặng do thuốc lá gây ra không chỉ dừng lại ở việc giảm cung, cầu mà còn bao gồm các chiến lược giảm tác hại do thuốc lá gây ra.

Là công cụ hiệu quả trong việc đưa ra hướng dẫn trong cuộc chiến chống tác hại thuốc lá toàn cầu, Công ước Khung FCTC được thông qua với sự thảo luận của 193 chính phủ do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chủ trì. FCTC là tài liệu của các bên liên quan, của chính phủ các quốc gia là thành viên của hiệp ước đó. Ngày 11.11.2004, Việt Nam đã ký kết và trở thành một trong những quốc gia sớm nhất tham gia Công ước này.

Giảm tác hại thuốc lá là một trong những hướng tiếp cận của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá FCTC. Ảnh: CMH

Sẽ đưa hướng tiếp cận giảm thiểu tác hại thuốc lá vào chiến lược y tế công cộng

Theo thông tin mới nhất, Philippines đang chuẩn bị thông qua luật công nhận hướng tiếp cận giảm thiểu tác hại thuốc lá trong chiến lược y tế công cộng. Nhận định về sự kiện này, bà Robyn Gougelet, thành viên tổ chức Pinney Associates và tư vấn về chiến lược chính sách pháp luật và quản lý y tế công cộng cho các nỗ lực giảm tác hại thuốc lá ở Hoa Kỳ cho rằng, quyết định của Hạ viện Philippines thông qua dự luật điều chỉnh thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng) là phù hợp với Công ước Khung FCTC.

Theo bà Gougelet, dự luật của Quốc hội Philippines đề cập giảm thiểu tác hại chính là hướng tiếp cận cốt lõi của mọi vấn đề liên quan đến kiểm soát thuốc lá. Bà cũng nhấn mạnh rằng dự luật này đóng vai trò rất lớn, bởi bất kỳ ai quan tâm đến giải pháp giảm thiểu tác hại đều mong muốn đạt được điều này.

New Zealand gần đây cũng đã triển khai luật kiểm soát thuốc lá tương tự, theo đó sẽ phân biệt rõ giữa các sản phẩm thuốc lá đốt cháy và không đốt cháy (các sản phẩm thuốc lá không khói). Các chuyên gia cho rằng, đó là cách đúng đắn khi nhìn nhận về Công ước Khung FCTC.

Khoa học đã chứng minh, khi đốt cháy, điếu thuốc lá sinh ra 40.000 độc chất, 4.000 - 7.000 tạp chất, 43 chất độc chất và một số chất cực độc. Tác hại khói thuốc lá phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc, nếu tiếp xúc càng lâu càng nguy hiểm đến sức khỏe, trong đó kể đến đầu tiên là các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và ung thư phổi.

Chính vì thế, bên cạnh mục tiêu giảm cung, giảm cầu bằng cách loại trừ hoặc giảm tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá, Công ước Khung FCTC còn đưa ra mục tiêu thứ ba là giảm tác hại thuốc lá. Đến nay, hướng tiếp cận giảm thiểu tác hại thuốc lá ngày càng được nhiều nước đưa vào chiến lược chăm sóc sức khoẻ quốc gia.

Theo bà Rebecca Taylor, cựu thành viên Nghị viện Châu Âu thì Công ước Khung FCTC đã có quy định về chiến lược giảm thiểu tác hại, nên nếu có những phát triển khoa học về giảm thiểu tác hại trong tương lai, thì các chính phủ cần phải cân nhắc.

Cần biết rằng, quá trình đốt cháy điếu thuốc lá được diễn ra ở nhiệt độ cao (từ 600 - 900 độ C) dẫn đến sự đốt cháy hoàn toàn lá thuốc bao gồm cả đốt cháy các hợp chất dễ bay hơi và đốt cháy tạp chất từ than, tạo ra làn khói thuốc. Các chuyên gia tại Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng từng khẳng định rằng, những hợp chất độc hại được tạo ra trong quá trình đốt cháy thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh liên quan đến hút thuốc như ung thư phổi cùng các bệnh về tim mạch, chứ không phải nicotine.

Quá trình đốt cháy tạo khói của thuốc lá điếu sinh ra nhiều độc chất nguy hiểm.

Việt Nam đang đề xuất hướng quản lý đối với các sản phẩm không khói để phòng chống buôn lậu

Tại Việt Nam, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng (đều là những sản phẩm không khói) đã có mặt trên thị trường chợ đen hơn 4 năm nay. Trước sự bùng nổ đầy nguy cơ của nạn buôn bán thuốc lá thế hệ mới bất hợp pháp, bằng Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14.9.2017, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức có liên quan nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử, trình Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 10.2020, Văn phòng Chính phủ (VPCP) lần nữa có công văn 8750 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tại văn bản số 4861/VPCP- CN; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2020.

Nói về tiến độ thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) trong một lần trả lời báo chí cho biết đang tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế. 

Được biết, đến nay chỉ có một sản phẩm thuốc lá làm nóng của một tập đoàn thuốc lá có trụ sở tại Mỹ được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép kinh doanh với chỉ định Giảm thiểu phơi nhiễm (MRTP) với các chất có hại và có tiềm năng gây hại lên cơ thể, so với thuốc lá điếu đốt cháy. Trong các thị trường đã thương mại thuốc lá làm nóng, sản phẩm thuốc lá được FDA phê duyệt chỉ định MRTP hiện đang hiện diện tại 67 nước trên toàn cầu, trong đó có hơn 2/3 quốc gia có tham gia Công ước Khung FCTC thuộc tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn