MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo sư Nguyễn Gia Bình chia sẻ về vụ việc. Ảnh: PV

Giáo sư đầu ngành Y nói về ngưỡng chịu đựng của trẻ khi bị quên trên ô tô

T.Linh LDO | 07/08/2019 17:26
Trường hợp cháu bé tử vong do bị bỏ quên trên ô tô của Trường Quốc tế Gateway có thể do nhiều nguyên nhân kết hợp nhưng nguy cơ sốc nhiệt là nguyên nhân hàng đầu.

Theo GS, TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, nguy cơ lớn nhất dẫn tới việc tử vong của cháu bé là do bị sốc nhiệt.

Trong môi trường bị đóng kín, nhiệt độ trong xe ô-tô tăng cao, sự tích lũy nhiệt trong ô-tô rất lớn và rất nhanh, vì vật liệu của xe bằng sắt, các dụng cụ bằng ghế da màu đen.

"Dù xe có được dán kính cách nhiệt nhưng vẫn hấp thụ nhiệt, đặc biệt với tình trạng thời tiết nắng nóng như ngày hôm qua"- GS Bình phân tích. 

Theo ông, các tế bào trong cơ thể cần có môi trường nhiệt độ nhất định, duy trì khoảng 37 độ C. Nếu nhiệt độ giảm dưới 35 độ C hoặc hơn 39 độ C sẽ ảnh hưởng tới chuyển hóa của các tế bào. Khi nhiệt độ tăng, cơ thể đào thải nhiệt bằng cách bay hơi nước qua mồ hôi hoặc qua đường thở, hơi nước bay đi sẽ mang theo một lượng nhiệt làm giảm nhiệt độ toàn thân, ngược lại khi bị hạ thân nhiệt cơ thể sẽ co mạch ngoại vi, run.. để giữ lại nhiệt cho cơ thể.

"Sốc nhiệt là khi nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 39-40 độ. Lúc này cơ chế điều hòa nhiệt không còn tác dụng, cơ thể sẽ mệt, mất nước, cô đặc máu, sốc, rối loạn đông máu dẫn đến rối loạn chuyển hóa trong tế bào ở tất cả các cơ quan, đặc biệt là tổn thương ở não, tim, cơ, thận", GS Bình nói.

Mặt khác, trong trường hợp này, cháu bé ở trong xe một mình có thể gặp hoảng loạn về mặt tâm lý. Khi đó, việc tiêu thụ năng lượng của cháu bé còn nhiều hơn. Nguyên nhân khác nữa tôi cũng muốn đặt ra là cháu bé đã ăn sáng chưa? Nếu cháu bé chưa ăn sáng có thể sẽ bị đói lả đi, hạ đường huyết dẫn tới tử vong.

Vì thế, trong số các nguyên nhân được đặt ra, GS Nguyễn Gia Bình cho rằng, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho cháu bé chính là do sốc nhiệt.

Theo các tài liệu quốc tế đã phân tích từng trường hợp cụ thể cho thấy ngưỡng chịu đựng của trẻ em khi bị bỏ rơi trong xe hơi kín là rất thấp. Cụ thể, khi trẻ ở trong xe và nhiệt độ ngoài trời là 19°C: chỉ sau 150 phút, nhiệt độ cơ thể ở mức 40°C. Lúc này, trẻ sẽ bị ngất xỉu, mất nước, suy nhược, nôn mửa, khó thở đều và điều này sẽ đe dọa tính mạng của trẻ. 

Khi trẻ ở trong xe với nhiệt độ ngoài trời là 24°C:  Trong vòng 40 phút, trẻ sẽ đổ mồ hôi, khát nước và có nguy cơ bị hạ thân nhiệt. Sau 60 phút, trẻ đổ mồ hôi nhiều hơn, mặt đỏ bừng, nhịp tim tăng nhanh. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị động kinh, co giật. Sau 90 phút, tính mạng của trẻ bị đe dọa khi gặp các triệu chứng như ngất xỉu, mất nước, suy nhược, nôn mửa và khó thở. Sau 160 phút, trẻ bị đau đầu dữ dội, chóng mặt, mất phương hướng, gặp ảo giác và mê sảng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn