MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

GS.BS Trần Đông A: "Phẫu thuật thành công, hai bé có thể đi lại"

Anh Nhàn - Chân Phúc LDO | 15/07/2020 16:02

Dành thời gian nghỉ hiếm hoi ngoài phòng mổ, GS.BS Trần Đông A - tham vấn chuyên môn - nhận định ca mổ 2 bé song sinh dính liền đang diễn ra đúng theo dự tính. Các cháu có hi vọng đứng lên đi lại bình thường.

Lao Động đã có cuộc trò chuyện với GS.BS Trần Đông A trong lúc ca mổ hai bé song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi dính liền nhau vừa được tách ra thành công, hiện các bác sĩ đang bước vào giai đoạn chỉnh, tạo hình cho 2 bé.

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về ca mổ hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi? 

Cho đến thời điểm này, ca mổ diễn ra theo đúng như dự tính. Hai bé chỉ truyền rất ít máu. Tới 14h7 phút thì hai bé đã được tách nhau ra. Mỗi bé được đưa ra bàn mổ riêng, sau đó bước vào các công đoạn chỉnh hình khung chậu, kéo vạt da che các cơ quan. Hiện đang tiến hành nối đường tiết niệu và đường ruột.

GS.BS Trần Đông A thông tin giữa ca nghỉ với báo Lao Động: Ảnh: Nhàn Phúc

- Vậy ông có thể đưa ra dự đoán về độ thành công của ca mổ?

Cái khó của ca này là dính bụng chậu 4 xương và còn hở xương mu nên việc đóng lại xương mu rất khó khăn. Nếu đóng được xương chậu lại thì tất cả cơ quan sẽ nằm đúng vị trí. Các cháu sẽ có hi vọng đứng lên và đi lại bình thường.

- 32 năm trước, ông từng là trưởng ekip phẫu thuật ca mổ tách cặp anh em song sinh dính liền Việt - Đức. Nay, ông lại là 1 trong 9 người tham vấn chuyên môn trường hợp hai bé gái song sinh dính vùng bụng chậu cực kỳ hiếm gặp. Vậy cảm xúc ông như thế nào?

32 năm trước tôi từng là trưởng ekip phẫu thuật tách hai cháu mổ ca Việt - Đức, nay lại có vinh dự được tham vấn chuyên môn cho hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi. Dù rất khó khăn nhưng ai ở vị trí của tôi đều cảm thấy hạnh phúc.

Mình từng trải qua ca mổ mà chỉ khâu, kháng sinh, thuốc sát trùng cũng không có, với sự giúp đỡ của Hội chữ thập đỏ Nhật Bản, chúng ta đã thành công ngoài mong đợi. Ca mổ được ghi vào từ điển kỷ lục thế giới. Cả ngày hôm nay thì tiện lợi hơn nhiều vì được tiến hành ở một bệnh viện hiện đại, không có khó khăn như 32 năm trước. Đó là điều khác biệt. Tôi có hạnh phúc được tham gia vào hai ca mổ khó và hiếm.

- Có bác sĩ trong ekip mổ lần này từng là học trò của ông, vậy ông đánh giá thế nào về chuyên môn của họ khi thực hiện phẫu thuật tách rời hai em bé?

Người ta thường nói câu này: "Không phẫu thuật viên nào có được hạnh phúc hơn việc cứu được những em bé thập tử nhất sinh". Hạnh phúc của tôi chính là người chứng kiến, đây là điều may mắn mà không phải ai cũng có được. Niềm hạnh phúc thứ hai là tôi còn đủ sức khỏe để có thể tham vấn chuyên môn, góp phần giúp hai em bé có một cơ thể riêng biệt, hoàn chỉnh.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn