MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội trong chuyến đi khám chữa bệnh ở vùng cao.

Hàng ngàn bệnh nhân đến khám mỗi ngày, sức nào bác sĩ kham nổi?

L.Hà - Phú Trang - S.Tùng LDO | 27/02/2018 10:47
Bác sĩ một công việc cao quý nhưng cũng đầy áp lực, nỗi khổ mà không phải ai cũng biết. Dù vất vả nhưng chữa cho người bệnh là một công việc thiêng liêng và là niềm vui của mỗi bác sĩ.

Áp lực triền miên 

Các bác sĩ khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) những ngày Tết Nguyên đán vừa qua  đã không có Tết, luôn phải túc trực bên người bệnh. Với nghề y, các bác sĩ luôn phải chịu nhiều áp lực: Làm việc quá giờ, công việc quá tải, áp lực học tập, áp lực của bệnh nhân...

Đây là hình ảnh tại Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai ngày mùng 1 Tết.

Không chỉ làm việc giờ hành chính, bác sĩ thường xuyên phải tăng ca và trực luân phiên. Ở bệnh viện tuyến trung ương, bác sĩ phải chăm sóc khoảng 80 bệnh nhân/ngày, nếu tính 1 ngày 8 tiếng thì có nghĩa mỗi bệnh nhân là 4 phút. Đó là chưa kể việc các bác sĩ còn phải tham gia vào các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu.

 Đây là hình ảnh bệnh nhân chờ khám bệnh sáng 27.2 tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Sơn Tùng
Ngay trong ngày 27.2 - Ngày Thầy thuốc Việt Nam, tại Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Bạch Mai đông kín người từ sáng sớm. Bệnh nhân đông nhưng bác sĩ luôn cố gắng khám cho bệnh nhân nhanh nhất, chính xác nhất. Những bệnh nhân ở xa không phải lo lắng ăn trực, nằm chờ.

Với lượng bệnh nhân khám tại các bệnh viện hàng đầu lên tới hàng ngàn người/ngày, thử hỏi bác sĩ có quá sức? 

Thêm nhiều nỗi lo 

Vất vả là thế nhưng những năm gần đây, những "chiến sĩ áo trắng" còn phải đối mặt với vấn nạn bạo hành.

 Nhân viên y tế làm việc không có ngày nghỉ. Ảnh: TS Lương Quốc Chính

BS Trương Hồng Sơn - Tổng hội Y học Việt Nam - cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, giai đoạn 2010- 2017 có 22 vụ bạo hành cán bộ nhân y tế (khoảng 3 vụ/ năm). Nghiêm trọng nhất là bác sĩ Phạm Đức Giàu - Bệnh viện huyện Vũ Thư, Thái Bình bị người nhà bệnh nhân dùng dao đâm tử vong tại bệnh viện trong ca trực ngày 15.8.2011.

Tuy nhiên chỉ trong 10 tháng qua, các vụ việc liên tục xảy ra với tần suất nhiều gấp 3 lần. Các vụ hành hung nhân viên y tế và gây rối bệnh viện không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần cũng như động lực, sự tận tụy của các nhân viên y tế. Quốc hội cần chỉ đạo cho xây dựng ban hành Luật Phòng chống bạo hành nhân viên y tế.

 Bác sĩ với vô vàn áp lực trên vai.

"Bệnh viện là nơi cần sự yên tĩnh, trật tự để nhân viên y tế tập trung sức lực và trí tuệ giúp người bệnh qua cơn hiểm nghèo và cũng là để người bệnh tĩnh dưỡng. Khi nhân viên y tế bị hành hung, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến người bệnh khác trong khu vực đó, đặc biệt sự việc diễn ra giữa lúc nhân viên y tế đang cấp cứu cho một bệnh nhân khác có thể khiến công việc bị gián đoạn, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân", BS Sơn cho hay.

Xã hội chất lên vai những người y-bác sĩ nhiều sứ mệnh nặng nề, cao cả, nhưng cũng cứa lên người họ đầy những vết thương. Đời sống khó khăn, những rủi ro nghề nghiệp luôn rình rập hằng ngày. Cùng với đó, áp lực y đức đè nặng lên tâm trí đã khiến cho một bộ phận không nhỏ nhân viên y tế cảm thấy mệt mỏi và nản lòng. Những khó khăn, thử thách và cả sự vất vả mà chỉ những người trong nghề mới thấu hiểu.

Với nhiều áp lực bác sĩ không phải lúc nào cũng làm tròn trách nhiệm của mình. Những hiểu lầm dễ dẫn đến điều không tốt đẹp xảy ra.

Khi quyết định dấn thân vào nghề, họ chấp nhận học tập nghiêm túc, cống hiến kiến thức và khả năng của mình để đảm bảo sức khỏe người bệnh, cứu sống nhiều mạng người. Đó chính là khi lời thề Hippocrates đã ngấm vào máu thịt của họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn