MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Bộ Y tế

Hiệu lực vaccine COVID-19 giảm sau 3-5 tháng, nguy cơ mắc ở ca chưa tiêm đủ

Lệ Hà LDO | 09/09/2022 11:01

Bộ Y tế cho biết, qua đánh giá các ca bệnh COVID-19 nặng và tử vong, có khoảng 35% số ca bệnh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đề nghị tăng cường rà soát và triển khai truyền thông và tiêm vaccine cho người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và trẻ em. Tuy nhiên hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh sau 3-5 tháng, vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

PGS.TS.BS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết: Việc hoàn thành đủ mũi vaccine, ngoài tác dụng bảo vệ cho chính những người được tiêm mà thông qua đó hạn chế bớt khả năng lây nhiễm của người không may mắc bệnh sang cho người khác (thời gian đào thải virus ngắn hơn, hồi phục nhanh hơn và miễn dịch tạo ra cũng mạnh mẽ hơn, hạn chế tái nhiễm). Đây chính là nền tảng cho miễn dịch cộng đồng. Và ở các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao, việc xuất hiện các biến chủng mới chủ yếu là do xâm nhập, không phải các biến chủng này được hình thành tại các quốc gia như vậy. Nếu tất cả các nước đều thực hiện tốt việc tiêm vaccine thì bệnh lẽ ra được khống chế sớm hơn.

Vaccine COVID-19 hiện tại có khả năng hạn chế trong việc phòng lây nhiễm đối với các chủng virus SARS-CoV-2 đột biến. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy những vaccine này vẫn phòng được thể nặng và nguy cơ nhập viện cũng như phòng các triệu chứng hậu COVID-19. Ngoài ra, những người được tiêm vaccine COVID-19 sẽ đáp ứng tốt hơn khi họ nhiễm virus và miễn dịch tạo ra cũng mạnh mẽ hơn nhiều so với người không tiêm và từ đó sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng hạn chế khả năng lây nhiễm của virus. Đây chính là giá trị cốt lõi của vaccine và cũng là lý do tại sao vaccine COVID-19 phải được triển khai mạnh mẽ cho dù chúng ta chưa có vaccine cập nhật biến chủng mới.

Cũng theo PGS.TS.BS. Phạm Quang Thái, về lý thuyết thì sau khi khỏi bệnh COVID-19, cơ thể sẽ có kháng thể để chống lại virus gây bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải ai cũng có được kháng thể đủ tốt bởi việc nhiễm virus là khác nhau tuỳ vào chủng, tình huống nhiễm, mức độ nhiễm và đặc điểm của cơ thể.

Có khá nhiều trường hợp nhiễm và tái nhiễm nhiều lần do kháng thể tạo ra không đủ tốt hoặc nhiễm lần đầu chỉ ở dạng thoáng qua sau đó lần nhiễm lại mới gặp tình trạng nặng.

Ngoài ra, các bằng chứng khoa học cho thấy khi đã nhiễm tự nhiên mà được tiêm vaccine thì kháng thể bảo vệ được tạo ra sẽ cao hơn rất nhiều và góp phần hạn chế tái nhiễm cũng như hạn chế các tình trạng hậu COVID. Đây chính là lý do dù đã khỏi bệnh nhưng người bệnh vẫn được khuyên tiếp tục tiêm chủng để hoàn thành phác đồ tiêm.

Việc tiêm mũi 3, mũi 4 vaccine COVID-19 sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-COV-2 bởi những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và bị mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm tức là khoảng 3-4 tháng sau tiêm.

Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy: Những người từng mắc COVID-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%.

Việc tiêm các vaccine COVID-19 mũi nhắc lại là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn