MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế

Hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 với các biến thể Delta

Minh An LDO | 15/08/2021 17:55

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ chóng mặt ở nhiều khu vực và được dự báo sẽ trở thành biến chủng "thống trị" toàn cầu.

Bộ Y tế nhận định hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2 (như Delta hay Delta plus) tiếp tục ghi nhận tại nhiều quốc gia với khả năng lây lan nhanh, mạnh; là nguyên nhân của các làn sóng lây nhiễm mới... Trong đó, biến chủng Delta đã xuất hiện ở hơn 90 quốc gia, có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với biến chủng Alpha (biến chủng tìm thấy lần đầu ở Anh). Biến chủng Delta plus xuất hiện ở khoảng 10 quốc gia.

Chủng Delta (được ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ) đã trở thành biến thể thống trị toàn cầu và lấn lướt biến thể Alpha ghi nhận đầu tiên tại Anh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay vaccine vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng COVID-19 bởi biến thể Delta, mặc dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng.

Hiện nay, có ít nhất 17 vaccine phòng COVID-19 đã được triển khai, trong số đó có 7 vaccine được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Những vaccine này là Pfizer/BionNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết Thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac.

WHO đang giám sát chặt chẽ hiệu quả của các vaccine này trong thực tế, bao gồm ảnh hưởng của các biến thể đáng lo ngại lên hiệu quả của vaccine.

TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO Việt Nam cho biết các dữ liệu cho thấy vaccine vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng COVID-19 bởi biến thể Delta, mặc dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng.

“Hãy tiêm bất kỳ loại vaccine có sẵn khi đến lượt bạn. Vaccine giúp bảo vệ bạn và cả những người xung quanh bạn. Vaccine cũng sẽ làm giảm nguy cơ biến thể Delta lan truyền trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới”, TS Kidong Park nói.

WHO đánh giá cao sự cam kết ở mức cao nhất của Chính Phủ Việt Nam trong việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Mục tiêu toàn cầu của WHO là tiêm phòng đủ liều cho ít nhất 10% dân số của mỗi quốc gia trên thế giới trước tháng 9/2021, 40% cho đến cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022. Đây là những cột mốc thế giới cần phải đạt được để kết thúc đại dịch, Ts Kidong Park cho biết.

Theo ông, rất nhiều các quốc gia đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung vaccine, không chỉ riêng Việt Nam. WHO hiểu rằng Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hết sức và làm việc ngày, đêm để có thể cung cấp đủ vaccine cho người dân. Hiện tại đang có thêm vaccine được chuyển đến Việt Nam, và đó là một tin vui.

Chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng ở tất cả các tỉnh/thành phố, huyện, và xã để đạt được mục tiêu đề ra của Chính phủ, cũng như khuyến nghị của WHO. Đồng thời, khuyến cáo ưu tiên tiêm cho nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu chống dịch và những người có nguy cơ cao hơn mắc bệnh nặng và tử vong- như người cao tuổi và những người có bệnh nền.

“Vaccine an toàn và hiệu quả là chìa khóa để kết thúc đại dịch COVID-19, nhưng nó không phải ‘viên đạn bạc’ (hay ‘chìa khóa vạn năng’). Chỉ vaccine không thể chấm dứt lây truyền trong cộng đồng. Chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K. Những biện pháp này là rất quan trọng, kể cả khi bạn đã được tiêm phòng, nhất là ở các địa phương đang có các ca lây nhiễm cộng đồng”, Ts Kidong Park nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn