MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp được bác sĩ điều trị. Ảnh minh hoạ: Hương Sơn

Ho gà - căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ xuất hiện ở Hà Nội

Hà Lê LDO | 07/03/2024 17:41

Thời tiết Hà Nội các tỉnh phía Bắc thay đổi liên tục kèm theo ô nhiễm môi trường khiến nhiều người bị sốt, ho, chảy nước mũi… Trong đó phải kể đến bệnh ho gà xuất hiện sau thời gian dài không ghi nhận ca mắc.

Hai tuần nay, Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc ho gà, trong khi cùng kỳ năm 2022-2023, thành phố không xuất hiện ca bệnh. Đa số trẻ mắc đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine phòng bệnh.

Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên, bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Ho gà lây lan cao hơn cả cảm cúm, một người có thể lây cho 12-17 người. Trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường biểu hiện bệnh lý nặng.

Bác sĩ Nguyễn Trí Thức, khoa A4B (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) chia sẻ: “Bệnh ho gà là căn bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp thông qua các giọt nước bọt trong không khí, trong thời kỳ dịch chồng dịch càng không được chủ quan, ho gà đang có xu hướng gia tăng và dịch chuyển dịch tễ từ trẻ em sang người lớn. Khoảng 25% người lớn bị ho gà có các biến chứng như viêm phổi, tràn khí màng phổi, viêm tai giữa, tiểu tiện không kiểm soát, sụt cân, gãy xương sườn (do các cơn ho liên tục kéo dài). Đặc biệt, những người có bệnh lý nền như tim mạch, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính,… có nguy cơ mắc cao hơn kèm theo đó các biến chứng nặng nề hơn”.

Bác sĩ Nguyễn Trí Thức tư vấn, cách tốt nhất để phòng bệnh là tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Mũi 1: tiêm khi trẻ 2 tháng; Mũi 2: tiêm khi trẻ 3 tháng; Mũi 3: tiêm khi trẻ 4 tháng; Mũi 4: 18 tháng - 24 tháng trẻ được tiêm nhắc lại mũi 4 ( vaccine có thành phần ho gà như DPT…)

Tại nơi có ổ dịch ho gà cũ, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh có cơn ho gà điển hình, nhất là đến khoảng thời gian chu kỳ của bệnh dịch ở địa phương.

Thực hiện chăm sóc trẻ mắc ho gà đúng cách. Cách ly trẻ với những người bị ho gà trong thời gian ít nhất 4 tuần kể từ khi có cơn ho điển hình.

Những trường hợp mắc bệnh ho gà nhẹ có thể cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà dưới sự giám sát của cán bộ y tế xã, phường. Những trường hợp mắc bệnh ho gà nặng, bị bội nhiễm và có biến chứng cần được cách ly và điều trị tại trạm y tế xã hoặc bệnh viện.

Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng, che miệng lại khi ho hoặc hắt hơi, giữ gìn vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ mỗi ngày. Luôn đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng mặt trời. Vệ sinh những đồ vật tiếp xúc hằng ngày bằng dung dịch vô khuẩn.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà thì phải cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn