MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hỏa hoạn sẽ đẻ lại dư chấn tâm lý kéo dài cho các nạn nhân, cả về thể chất lẫn tinh thần. Ảnh: AFP.

Hỏa hoạn tác động đến tâm lý nạn nhân như thế nào?

Chi Trần LDO | 08/09/2022 20:19

Sau hỏa hoạn, nạn nhân không chỉ đau khổ về tinh thần hoặc có thương tích trên cơ thể, mà cảm giác an toàn cũng bị ảnh hưởng.

Các đám cháy trong khu dân cư thường đi cùng với những đau khổ về tinh thần cùng với các thương tích cơ thể.

Mất nhà, thậm chí mất người thân trong hỏa hoạn không chỉ liên quan đến mất nơi ở, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sự mất mát, thậm chí hoảng loạn, lo âu kéo dài.

Theo đó, cảm giác an toàn khi ở trong một căn nhà có thể mất đi và có thể phá vỡ những thói quen bình thường trong cuộc sống hàng ngày.

Chia sẻ với Daily Mail, Daniel Russ kể về cảm giác không thể quên khi thức dậy trong căn phòng đang bốc cháy. 

"Tôi thức dậy khi căn phòng của mình đang bốc cháy. Cuốn sách của tôi rơi khỏi giường và bật vào lò sưởi ở bên cạnh. Nó đã bắt lửa. Nhưng may mắn tôi đã kịp thức dậy khi ngọn lửa chưa lan rộng. Căn phòng trắng xóa khói và tôi không thở được. Chỉ chậm vài phút nữa có lẽ tôi sẽ không tỉnh dậy được nữa. Tôi còn chút ý thức để chạy đi. May mắn là tôi vẫn còn ở đây để kể câu chuyện này".

Sau khi mất ngôi nhà bởi một vụ hỏa hoạn, Catherine Berger nói với New York Times, cô gần như mất hết cảm xúc: 

"Tôi đã mất tất cả, thú cưng, đồ đạc, quần áo, trang sức. Tôi rời thị trấn mình đang sống, đóng lại mọi mối quan hệ. Tôi kiệt sức về mặt cảm xúc và rất lâu sau mới có thể cảm nhận lại được những chuyển động của cuộc sống xung quanh. Mất rất nhiều thời gian để chữa lành những mất mát ấy".

Hỏa hoạn để lại cú sốc và đau đớn nặng nề cho những nạn nhân. Ảnh: AFP.

Hayley Marie kể lại ký ức kinh hoàng khi thoát ra khỏi căn nhà bị cháy:

"Tôi từng bị mắc kẹt trong một vụ cháy nhà cùng với 5 người khác Tôi đã cố gắng chạy đến để giúp họ thoát ra nhưng vô ích nên tôi phải tự thoát ra ngoài. Ngay khi tôi bước chân vào phòng khách, cảm giác như thể ai đó đã tạt thẳng một xô axit vào mặt tôi. Những tiếng la hét làm tôi khiếp sợ. Tôi nhớ mình đã lo sợ việc khuôn mặt mình bị tổn thương, nhưng suy nghĩ của tôi là lập tức phải ra khỏi nhà.

Sau một hồi lục tung đồ đạc để tìm cánh cửa, tôi ngã xuống và không thể đi tiếp. Tôi cảm thấy như thể làn da của tôi đang tan chảy. Sau khi tôi gục ngã, cơn đau đã qua đi, bởi các dây thần kinh của tôi đã bị đốt cháy. Khi nằm đó, nỗi đau không còn mà chỉ toàn nỗi sợ hãi. Tôi chấp nhận rằng đó sẽ là giây phút cuối cùng tôi còn sống. Tôi đã lên cơn co giật ngay trước khi được đội cứu hộ kéo ra ngoài nên tôi nghĩ rằng tôi đã chết. Tôi bất tỉnh trong xe cấp cứu và tỉnh dậy khoảng một tháng sau trong bệnh viện vì đã bị bỏng 60-70% cơ thể và mất 6 ngón tay do tổn thương".

Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, những người sống sót sau đám cháy thường trải qua các cảm giác sốc, tức giận, trầm cảm và tuyệt vọng. Sau đó, cảm giác tích cực sẽ đến khi họ chấp nhận sự thật và hướng về tương lai. Khi đang trong cơn khủng hoảng, việc chăm sóc bản thân có thể trở nên khó khăn. 

Trong khi đó, theo VerywellMind, một nghiên cứu vào năm 2019 cho biết việc tiếp xúc với các hạt vật chất có trong đám cháy có liên quan đến lo lắng, trầm cảm.

Việc hít phải khói còn làm trầm trọng thêm những bệnh như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính. Khi lửa cháy, một hỗn hợp các chất được giải phóng vào không khí. Ngoài khói là thứ có thể nhìn thấy, còn có vật chất dạng hạt, những mảnh vật chất cháy nhỏ mà nạn nhân có thể hít vào.

Ngoài sức khỏe, ký ức kinh hoàng, là những mất mát về tình cảm, cảm xúc không thể nào khỏa lấp với nạn nhân đã đi qua vụ hỏa hoạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn