MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh sau ca phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Hoại tử nhiễm trùng nặng bàn ngón tay trái sau tai nạn bị điện giật

Hà Lê LDO | 25/03/2024 12:25

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) vừa điều trị trường hợp hoại tử nhiễm trùng nặng bàn ngón tay trái sau tai nạn bị điện giật.

Nam bệnh nhân H.T.B, 41 tuổi ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, nhập viện ngày 20.2 trong tình trạng hoại tử da khô, chảy dịch mủ hôi ngón IV, V bàn tay trái.

Khai thác tiền sử bệnh, bệnh nhân cho biết cách vào viện hơn 1 tháng, khi đang sửa bình nóng lạnh không may bị điện giật. Ngay sau tai nạn, bệnh nhân bất tỉnh, được đưa đi cấp cứu ngay tại cơ sở y tế gần nhất để cứu sống và điều trị các tổn thương cơ quan do điện giật gây ra, trong đó có những vết thương ở bàn ngón tay.

Lúc đầu, tổn thương tay chỉ là những vết thương khuyết da kích thước nhỏ ngón IV, V đơn thuần. Càng ngày, hai ngón tay càng tím tái, chảy dịch, co cứng tăng lên, không vận động được. Bệnh nhân sau tai nạn điện giật hơn 20 ngày, mới chịu đi khám tay tại nhiều bệnh viện. Các bác sĩ đều nhận định đây là tình trạng tổn thương rất phức tạp do điện giật, nguy cơ cao không giữ được các ngón tay.

Tại khoa Phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, qua thăm khám cho thấy đây là một trường hợp rất khó. Tổn thương hoại tử khô toàn bộ mặt gan ngón V, một phần gan ngón IV, kẽ ngón IV-V bàn tay trái. Tổn thương không đi kèm tổn thương xương, nhưng lại bị co kéo, chảy dịch mủ hôi, đau nhức nhiều dẫn đến mất vận động ngón V, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống.

Sau khi hội chẩn các bác sĩ đánh giá đây là một trường hợp tổn thương rất phức tạp do điện giật, hoại tử ngón tay, lại đang có nhiễm trùng tổ chức nặng. Với tình trạng này, tỉ lệ ngón tay giữ lại được không cao.

Bệnh nhân lái xe bus, nên rất mong muốn được giữ lại ngón tay để đủ điều kiện tiếp tục làm công việc của mình.

Sau khoảng hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhân được phẫu thuật thì hai, sử dụng kỹ thuật chuyên sâu chuyển vạt da vùng gan bàn tay, giúp tái tạo, che phủ tổn khuyết của ngón. Đây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi kỹ thuật cao, tuy nhiên lại giúp bệnh nhân hồi phục một cách tối đa nhất cả về mặt liền thương, một phần chức năng vận động các ngón tay và thẩm mỹ.

Bàn tay trái người bệnh bị hoại tử. Ảnh: BVCC

Ths.BS Phạm Duy Linh - Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cần thường xuyên tái khám, cần một vài chỉnh sửa nhỏ nữa để giúp ngón tay hồi phục dần dần về vận động và đảm bảo về mặt thẩm mỹ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn