MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ khám cho bệnh nhân sau khi gắp xương ra khỏi phổi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cung cấp.

Hóc dị vật ở người lớn tuổi hiểm nguy khó lường

Thanh Chân LDO | 28/02/2023 12:26
Cụ bà 70 tuổi ho khò khè suốt 1 năm. Khi nội soi phế quản, bác sĩ phát hiện dị vật là xương mang cá kích thước 3x2 cm mắc sâu trong phổi. Qua trường hợp này, bác sĩ cảnh báo người lớn tuổi khi ăn có biểu hiện ho sặc sụa, tím tái phải đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

TS.BS Đặng Thị Mai Khuê - Đơn vị Hô hấp Khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, bà L.T.M (70 tuổi, tỉnh Tiền Giang) đến khám trong tình trạng ho khò khè từ cổ xuống, có đờm đục. Bệnh nhân từng điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm corticoid, giãn phế quản,... nhưng không khỏi. 

Kết quả CT không ghi nhận tổn thương viêm phổi. Qua nội soi phế quản gây mê, bác sĩ phát hiện góc phế quản bên trái có dị vật xương cá kích thước 3x2 cm, nghi là xương mang cá. Đồng thời, nhiều đàm mủ, bao quanh nhiều hạt ôm dị vật, có hiện tượng xẹp hẹp khí quản. Ekip bác sĩ dùng kìm gắp dị vật ra khỏi phổi bệnh nhân trong lúc nội soi. Sau khi dị vật được lấy ra, bệnh nhân dễ thở hơn, tỉnh táo, đỡ ho khò khè. 2 ngày sau, bà M được xuất viện, tái khám định kỳ theo lịch.

Theo lời bà M, 1 năm trước, trong một lần ăn cơm bị hóc xương cá, cố gắng nuốt xương xuống cùng cơm và rau. Sau đó, bà M không thấy còn mắc ở cổ họng nữa nên nghĩ xương đã trôi xuống bụng. 

Theo bác sĩ Mã Thanh Phong - Đơn vị Hô hấp Khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, dị vật mắc kẹt ở phổi là nguyên nhân chính gây ho, khò khè, khá giống với triệu chứng hen phế quản khiến bệnh nhân nhầm lẫn. Nếu không sớm lấy ra, xương ngày càng bám sâu hơn sẽ gây viêm phổi, xẹp phổi thùy dưới ngay góc trái, nhiễm trùng huyết, suy hô hấp. 

"Người lớn tuổi khi ăn có biểu hiện ho sặc sụa, tím tái hoặc người có răng giả sau khi ăn đột nhiên không thấy nữa,… phải đi khám để được kiểm tra có dị vật trong đường thở hay không?" - bác sĩ Phong khuyến cáo.

Đặc biệt, trẻ nhỏ đang đùa giỡn rồi ho sặc hoặc tím tái, cần phải đi cấp cứu để bác sĩ khám, nếu có dị vật cần được can thiệp lấy ra sớm. Nhiều trường hợp trẻ em hóc hạt không lấy ra kịp gây viêm phổi, khò khè, áp xe phổi, xẹp phổi,… thậm chí tử vong.

Dị vật mắc kẹt ở phế quản, phổi chủ yếu là do bất cẩn khi ăn uống, ăn các loại hạt khi chơi đùa. Để phòng ngừa dị vật phế quản, mỗi người nên chế biến thức ăn kỹ lưỡng, ăn chậm, nhai kỹ, trong lúc ăn không được cười đùa, la hét; người có răng giả nên tháo răng giả khi đi ngủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn