MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh rung nhĩ là rối loạn nhịp tim thường gặp nhất ở người trưởng thành. Ảnh: BVCC

Hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác mệt, hụt hơi là triệu chứng của bệnh tim

Hương Giang LDO | 22/09/2023 16:00

Bệnh rung nhĩ là rối loạn nhịp tim thường gặp nhất ở người trưởng thành với tỉ lệ mắc từ 2-4%. Khoảng gần 10% người trên 80 tuổi mắc. Tỉ lệ mắc rung nhĩ tăng theo tuổi, tăng gấp 10 lần ở nhóm trên 65 tuổi.

Rung nhĩ là bệnh lý rối loạn nhịp tim xuất phát từ tâm nhĩ khi các hoạt động điện đồng bộ bị thay thế bằng các hoạt động điện hỗn loạn, dẫn đến sự co bóp mất đồng bộ và làm giãn tâm nhĩ. Xung động điện hình thành rất nhanh và không đều.

Chia sẻ về bệnh rung nhĩ, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Người mắc bệnh rung nhĩ thường có một số triệu chứng như cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh và không đều, cảm giác mệt và hụt hơi. Trong những trường hợp nhịp tim nhanh có thể có biểu hiện choáng.

Một số ít trường hợp bệnh biểu hiện đầu tiên bằng các biến chứng như đột quỵ não, suy tim, tắc mạch hệ thống.

Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tắc mạch hoặc suy tim.

Khi bị rung nhĩ, hai buồng tâm nhĩ không còn co bóp nhịp nhàng mà “rung lên” nên bơm máu của tim không hiệu quả.

Các nguyên nhân thường gặp

- Bệnh van tim hậu thấp như: hẹp, hở van hai lá; hẹp, hở van động mạch chủ…

- Suy tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh cơ tim, viêm cơ tim…

- Bệnh động mạch vành và các bệnh lý liên quan xơ vữa động mạch.

- Tăng huyết áp.

- Đái tháo đường.

- Bệnh lý tuyến giáp, bệnh phổi mạn tính.

- Ngừng thở khi ngủ.

Biến chứng của rung nhĩ

Biến chứng hay gặp nhất của rung nhĩ là tắc mạch, bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ tắc mạch cao gấp 5-7 lần bình thường.

Rung nhĩ nhanh làm giảm cung lượng tim, làm tăng gánh nặng cho tim, khiến bệnh nhân suy tim nặng hơn.

Điều trị rung nhĩ

Điều trị dự phòng đột quỵ do tắc mạch bằng các thuốc chống đông nếu cần, hiện nay có hai loại chống đông chính: Kháng vitamin K và kháng đông trực tiếp (NOAC). Thuốc kháng đông có tác dụng chống huyết khối nhưng cũng đồng thời với nguy cơ chảy máu nên việc sử dụng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Điều trị giảm triệu chứng bằng các thuốc hoặc các phương pháp kiểm soát tần số thất và chuyển nhịp.

Điều trị các bệnh lý đi kèm.

Phương pháp phòng bệnh rung nhĩ

- Chế độ ăn uống lành mạnh: ít muối và hạn chế chất béo bão hòa (thường có trong thực phẩm chế biến sẵn, bánh ngọt, mỡ động vật…); ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh và hạt ngũ cốc như đậu tương, đậu xanh, đậu đỏ, lạc, vừng…
- Tập thể dục hàng ngày và tăng cường hoạt động thể chất, duy trì cân nặng hợp lý.
- Bỏ thuốc lá và tránh xa môi trường khói thuốc, hạn chế rượu bia.
- Kiểm soát tốt huyết áp và mức cholesterol bằng thuốc, chế độ ăn và lối sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn