MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hơn 51% nguyên liệu thuốc nhập từ Trung Quốc

Lệ Hà LDO | 28/06/2017 09:42
Thuốc sản xuất trong nước mới đáp ứng 45% nhu cầu thuốc, chủ yếu là các thuốc đơn giản, thông thường; còn lại lệ thuộc nhập khẩu, viện trợ. 90% nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng về phát triển dược liệu.
Sản xuất thuốc đơn giản

Tại Hội thảo Chiến lược phát triển công nghiệp dược phẩm Việt Nam tầm nhìn tới năm 2025 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27.6, TS Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, một thực tế đang diễn ra với ngành công nghiệp dược. Đó là hiện Việt Nam mới chủ yếu sản xuất được các thuốc bào chế đơn giản, trong khi phần lớn thuốc đặc trị ở dạng bào chế phức tạp Việt Nam chưa làm được.

Bằng chứng là, theo thống kê của tổ chức nghiên cứu thị trường của Tổ chức Giám sát kinh doanh quốc tế (BMI), ngành dược phẩm Việt Nam hiện giữ tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất Châu Á và đứng thứ 17/175 trên thế giới, giai đoạn từ 2010 -2015 trung bình đạt xấp xỉ 17% và dự báo trong vòng 5 năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng mạnh và ổn định nhất thế giới.

Tiền thuốc bình quân đầu người tăng từ 6 USD/người/năm 2001 lên 16,5 USD/người/năm 2008 và 37,97 USD/người/năm 2015. Tuy nhiên, con số này được đánh giá vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và rất thấp so với thế giới (40 USD/người/năm 2008 và 117 USD/người/năm 2021).

“Phát triển ngành công nghiệp hóa dược chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn với số lượng doanh nghiệp còn rất hạn chế, chủ yếu là bào chế đơn giản, hàm lượng kỹ thuật thấp, ít có các dạng bào chế công nghệ cao.

Trung bình cứ 1 hoạt chất có 23 số đăng ký. Rất nhiều hoạt chất có trên 100 số đăng ký, như paracetamol: 783 số; clorpheniramin: 280 hay cefixim: 191… Có đến 260 tên thuốc cùng hoạt chất hạ nhiệt, giảm đau; 223 tên thuốc cùng là vitamin hoặc thuốc bổ”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho hay. Hiện tại, doanh nghiệp trong nước đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu thị trường, còn lại phải nhập khẩu, giá trị nhập khẩu đã tăng lên mức 16%/năm. Việt Nam cũng phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu để sản xuất thuốc, chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt là 51,4% và 18,3%”.

Con đường gian nan

Theo PGS. TS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế: Ngành dược thiếu chiến lược trung và dài hạn trong mọi khâu từ sản xuất, cung ứng thị trường, phát triển dược liệu, phân phối…

Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược giai đoạn đến 2020, tầm nhìn 2030, Bộ Y tế đưa ra mục tiêu, đến 2020, 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, phấn đấu sản xuất được 20% nguyên liệu cho sản xuất thuốc, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm. Phấn đấu có 40% thuốc generic sản xuất trong nước và nhập khẩu có số đăng ký lưu hành được đánh giá tương đương sinh học và khả dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn