MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc họp khẩn sáng 30 Tết về công tác phòng chống dịch. Ảnh: Thuỳ Linh

Họp khẩn về dịch viêm phổi cấp: WHO tin tưởng năng lực ứng phó của Việt Nam

Thuỳ Linh LDO | 24/01/2020 13:08

9h sáng 30 tết, cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch được triệu tập do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì. 10h30’ cuộc họp được mở rộng, cung cấp thông tin cho báo chí về dịch viêm phổi cấp do chủng mới của Coronavirus đang diễn biến rất phức tạp.

Hai ca bệnh viêm phổi cấp phát hiện ở Việt Nam đã ổn định

Ngày 23.1, ngành y tế Việt Nam thông báo hai trường hợp đầu tiên dương tính với virus corona. Sau quá trình điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh, sức khỏe của các bệnh nhân hiện nay đã ổn định, vẫn tiếp tục được cách ly và theo dõi chặt chẽ. 

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Lương Ngọc Khuê, cho biết tình hình sức khỏe của hai cha con người Trung Quốc nhiễm virus corona đang cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã ổn định, không đáng lo ngại.

Người cha nhiễm virus corona trên nền bệnh đái tháo đường type II, u phổi phải đã phẫu thuật, bệnh mạch vành đã đặt stent. Hiện, sức khỏe của bệnh nhân tốt, ăn uống được, tự thở, các chỉ số khác ổn định. Người con khỏe, còn sốt, các chỉ số khác ổn định, không ho.

May mắn, người vợ có tiếp xúc nhưng không lây bệnh. Trong khi đó, người con chỉ tiếp xúc với cha 3 ngày đã nhiễm virus corona. Đặc biệt, cả hai đều không bị ho. PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, khẳng định điều này chứng tỏ bệnh có lây hạn chế từ người sang người. Ngoài ra, những hành khách đi chung chuyến tàu từ Nha Trang vào TP.HCM cùng 3 người này nên được biết thông tin, chủ động cách ly trong thời gian 14 ngày.

Ông Lương Ngọc Khuê thông tin về 2 ca bệnh. Ảnh: Thuỳ Linh 

Phó viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương PGS.TS Trần Như Dương khẳng định tại miền Bắc chưa phát hiện ca bệnh nào mắc chủng virus corona. Hai ca bệnh đang được cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ban đầu được xác định mắc cúm. Các xét nghiệm khác đang được tiến hành để khẳng định xem có mắc chủng virus này hay không. Dù vậy, hai bệnh nhân vẫn được cách ly nghiêm ngặt.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định bệnh lây truyền hạn chế từ người sang người, cần tiếp tục giám sát ở các cửa khẩu quốc tế hàng không và nội bộ. Về công tác điều trị, dịch xảy ra ở địa phương nào điều trị ở địa phương đó, hạn chế vận chuyển bệnh nhân.

Viện trưởng Viện Pasto Nha Trang trả lời báo chí. Ảnh: Thuỳ linh 

Ngăn chặn bằng nhiều biện pháp quyết liệt 

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay đối với Việt Nam, hoàn toàn không ngạc nhiên khi có ca nhiễm bệnh từ Trung Quốc bởi lưu lượng đi lại giữa hai nước rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã có động thái chủ động chống dịch. 

Đặc biệt, tất cả cả các bệnh nhân đều có tiền sử đi từ Vũ Hán - tức vùng phát bệnh đầu tiên. Do đó, người dân không nên quá lo lắng. Để phòng dịch, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, ho an toàn. Nếu có các biểu hiện sốt, ho, khó thở, người dân đến các cơ sở y tế để được điều trị.

Sau khi tham khảo các ý kiến của chuyên gia các nước, đại diện của WHO cho biết chưa đủ điều kiện để công bố sự kiện y tế khẩn cấp. Trong thời gian đó, cơ quan này sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn công tác sang Vũ Hán để có thông tin chính xác trong thời gian sớm nhất. 

Các cơ sở khám chữa bệnh áp dụng tốt công tác cách ly, khử khuẩn, điều trị cho bệnh nhân. Người bị sốt với các triệu chứng thông thường không nên quá lo lắng. 

Đại diện WHO tại cuộc họp. Ảnh: Thuỳ Linh 

"Chúng tôi tin rằng với năng lực của Việt Nam, rất nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch, chúng ta có thể phối hợp cùng nhau để chống dịch, ngăn chặn chúng lan rộng", TS Kidong Park, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết.

Trước tình hình này, Bộ Y tế yêu cầu bố trí khu chờ, khu khám riêng cho người bệnh nghi ngờ nhiễm virus corona. Tuân thủ phòng ngừa chuẩn (vệ sinh tay, vệ sinh hô hấp, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, phòng ngừa chấn thương do vật sắc nhọn), phòng ngừa dựa theo đường lây (đường tiếp xúc, đường giọt bắn và không khí). 

Ngoài ra, các cơ quan cần tuyên truyền, hướng dẫn toàn bộ người bệnh và người nhà mang khẩu trang khi đến khoa Khám bệnh. Bố trí nhân viên y tế riêng để chăm sóc người bệnh. Tăng cường vệ sinh sàn, bề mặt bằng hóa chất khử khuẩn. Các khu vực cách ly đều có biển báo, bảo đảm thông khí buồng bệnh tối thiểu ngày 3 lần. Báo cáo ca nhiễm hoặc nghi nhiễm bệnh theo quy định.

Tính đến ngày 24.1, số ca tử vong vì loại virus lạ phát tán từ thành phố Vũ Hán đã lên đến 25, trong khi số ca nhiễm bệnh là 830. Chính quyền tại thành phố Vũ Hán, đô thị 11 triệu dân thuộc tỉnh Hồ Bắc, đã cho tạm ngưng phần lớn phương tiện giao thông trong ngày 23.1, trong khi người dân được yêu cầu không rời khỏi thành phố. Ít giờ sau, thành phố Hoàng Cương ở lân cận, nơi có 7 triệu dân, cũng thông báo các biện pháp tương tự.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp khẩn. Ảnh: Thuỳ Linh 

Ngoài Trung Quốc, ca nhiễm bệnh đã được xác nhận ở ít nhất 7 quốc gia khác, dù chưa có trường hợp tử vong. 

Tại Việt Nam, hai cha con người Trung Quốc là trường hợp đầu tiên được xác định dương tính với virus corona. Hiện tại, các bệnh nhân đang được điều trị, cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vẫn còn xem xét và cần thêm thông tin, bằng chứng để tuyên bố đợt bùng nổ virus là tình trạng "y tế công cộng khẩn cấp gây ra quan ngại toàn cầu". Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu sẽ buộc các nước phải đẩy mạnh phản ứng.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn