MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Kết hợp Đông - Tây y trong chẩn đoán và điều trị đái tháo đường

Thùy Linh LDO | 28/07/2023 17:12

Tỉ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường.

Theo Liên đoàn đái tháo đường Thế giới (IDF) công bố năm 2021, thế giới có tới 537 triệu người mắc đái tháo đường, tương ứng với tỉ lệ cứ 10 người lớn độ tuổi 20 - 79 tuổi có 1 người mắc đái tháo đường; cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường trong giai đoạn phát triển thai nhi.

Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc đái tháo đường mà không được chẩn đoán kịp thời.

Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021, tỉ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường.

Đái tháo đường giờ đây không chỉ là căn bệnh của người giàu, của đô thị mà đang lan rộng ra khắp các vùng miền với nhiều nhóm đối tượng không phân biệt giàu nghèo, già trẻ.

Trước thực tế đáng lo ngại nêu trên, ngày 28.7, Hội Đông y Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc kết hợp Đông - Tây y trong chẩn đoán và điều trị đái tháo đường cho các cán bộ, hội viên của Hội Đông y Việt Nam qua 2 hình thức là trực tiếp và trực tuyến.

Tại hội nghị các nhà khoa học đầu ngành thuộc chuyên ngành y học hiện đại về đái tháo đường cập nhật kiến thức y khoa mới nhất trong sinh lý bệnh cũng như chẩn đoán và điều trị đái tháo đường.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh- Chủ tịch hội Đông Y Việt Nam - cho biết: Hiện nay, vấn đề điều trị và kiểm soát bệnh đái tháo đường còn nhiều khó khăn với tỉ lệ 62,6% người bệnh chưa được chẩn đoán trong cộng đồng.

PGS Đậu Xuân Cảnh nói về kết hợp Đông- Tây y trong điều trị đái tháo đường. Ảnh: Thùy Linh

Bộ Y tế cũng đã đưa ra mục tiêu của chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó đối với bệnh đái tháo đường cần đạt được trong thập kỷ này là:

- Khống chế tỉ lệ tiền đái tháo đường dưới 16%.

- Khống chế tỉ lệ đái tháo đường dưới 8%.

- 50% số người bị bệnh đái tháo đường được phát hiện; 50% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.

Theo Đông y, bệnh đái tháo đường đã được ghi trong Hoàng đế Nội kinh, với bệnh danh Tiêu khát, nguyên nhân do ngũ tạng hư nhược, ăn uống và tình chí không điều độ.

Biểu hiện lâm sàng thường gặp: Ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều (Tam đa nhất thiểu). Thuộc phạm vi chứng Tiêu khát của y học cổ truyền.

"Về phần đông y, chúng tôi quan tâm đến các báo cáo kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là đối tượng bệnh nhân lớn tuổi và báo cáo về nghiên cứu điều trị và dự phòng biến chứng đái tháo đường trên sản phẩm thảo dược của các công ty dược có tác dụng điều trị đái tháo đường. Từ đó, giúp hệ thống lại kiến thức, kinh nghiệm cho các cán bộ, hội viên, nhằm nâng cao năng lực tiếp cận chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân đái tháo đường"- ông Cảnh nói.

Ông Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, người bệnh đái tháo đường ngoài dùng thuốc theo đúng chỉ định và tái khám định kỳ để được điều chỉnh liều lượng nếu cần thì người bệnh cần kiểm soát chế độ ăn.

Người bệnh ăn gì, uống gì cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nồng độ đường máu. Do đó, chế độ ăn nên hạn chế thực phẩm nhiều đường, tinh bột, bánh kẹo ngọt, nước uống có gas… nên ăn nhiều rau xanh, các loại quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt…

Người bệnh nên tập thể dục thường xuyên bởi nếu ngồi nhiều, ít vận động làm tăng kháng insulin, khiến đường máu sẽ khó ổn định.

Người dân, người bệnh nên cố gắng luyện tập hàng ngày như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, chơi cầu lông, bơi lội… để làm giảm đường huyết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn