MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Minh Thảo - Phó TGĐ BHXH Việt Nam (bên phải) và ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam ký Bản ghi nhớ về hợp tác thực hiện chính sách pháp luật BHYT giũa hai bên. Ảnh: X.T

Khám chữa bệnh ở các BV tư nhân: Nhiều bất cập cần tháo gỡ

XUÂN TRƯỜNG LDO | 13/07/2017 06:25
Đến nay, hầu hết các địa phương trong cả nước đều đã có bệnh viện (BV) tư nhân khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2017 có 444 cơ sở KCB thì trong đó có 152 BV tư nhân thực hiện KCB BHYT. Tuy nhiên, nhiều cơ sở y tế ngoài công lập cũng như Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam cho rằng, việc thực hiện KCB BHYT tại các BV tư nhân vẫn còn gặp nhiều bất cập cần tháo gỡ.

Chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức

Theo ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, hiện đang có hiện tượng chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức cần thiết. Có bệnh nhân xuất hiện liên tục, ngày nào cũng điện châm, chỉ định thuốc như nhau. Vẫn còn tình trạng một số cơ sở KCB tư nhân có mức bình quân một lượt khám ngoại trú cao như: BV Việt Pháp (TP Hồ Chí Minh) là 4,1 triệu đồng, BV Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) là 3,6 triệu đồng… Ông Đức cũng cho biết, có 41 phòng khám và 22 BV tư nhân không gửi dữ liệu liên thông, điều này là thiếu sự minh bạch.

Ông Nguyễn Tá Tỉnh - Trưởng Ban dược và Vật tư y tế (BHXH Việt Nam) cho hay, việc các cơ sở KCB chưa thực sự chú ý quan tâm tới vấn đề chi phí hiệu quả là một trong các nguyên nhân gây mất cân đối quỹ KCB được giao. Nhiều cơ sở không tổ chức lựa chọn nhà thầu mà mua thuốc theo quy định của Luật Đấu thầu nhưng việc lựa chọn cũng không hợp lý, không thông báo và phối hợp với cơ quan BHXH trong quá trình mua sắm. Việc lựa chọn sử dụng thuốc còn chưa phù hợp.

Cần điều chỉnh những gì chưa phù hợp

Theo ông Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐQT BV Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ), cần có cái nhìn khách quan hơn giữa y tế công lập và tư nhân. Hiện nay BV tư đang phải đối mặt với bài toán xuất toán. Ông Học lý giải, tổng mức thanh toán được xác định dựa theo giá trần BHYT. Song, cách tính giá trần của cơ quan BHXH chưa thống nhất. Việc xác định giá trần khá chậm trễ. Hiện BV chưa nhận được thông báo về giá trần được giao nên hoạt động KCB gần như mất tự chủ. Nếu cho bệnh nhân được hưởng quá mức quyền lợi thì BV thiệt thòi, hạn chế quyền lợi của bệnh nhân quá thì không ổn. Việc sử dụng thuốc trong điều trị bệnh nhân theo hạng BV; nhiều hồ sơ được giám định viên ký chấp nhận thanh toán nhưng sau đó lại bị xuất toán, điều đó là không hợp lý.

Trao đổi về vấn đề cơ sở y tế tư nhân gặp khó khăn trong thực hiện KCB, ông Nguyễn Quang Duy - Tổng thư ký Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam - cho rằng, một số cơ sở KCB tư nhân bị từ chối thanh toán với số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng; trong khi đó tất cả số tiền cơ quan BHXH từ chối thanh toán, xuất toán đều đã được các cơ sở KCB tư nhân thanh toán cho bệnh nhân, phần lớn số tiền đó là phải vay các tổ chức tín dụng và trả lãi hàng tháng. Một số doanh nghiệp cung ứng thuốc, vật tư y tế đã từ chối cung ứng tiếp cho các cơ sở KCB tư nhân vì nợ đọng kéo dài, một số BV tư nhân nợ lương bác sĩ, nhân viên y tế nên đối diện với nguy cơ phá sản.

Về các vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam - cho rằng, một số quy định về KCB, thanh toán BHYT tại các BV tư nhân hiện nay đang gây khó khăn cho BV. Đơn cử như việc xếp hạng BV cho các cơ sở KCB tư nhân vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, xác định tuyến khám chữa bệnh BHYT.

Với các vấn đề trên, ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - cho biết, BHXH Việt Nam sẽ lắng nghe, tiếp thu những ý kiến hợp lý của các thành viên Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam, phối hợp với Bộ Y tế giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong KCB BHYT. Những gì thuộc về cơ chế chính sách chưa thông thoáng, BHXH Việt Nam sẽ báo cáo, trình Chính phủ, Quốc hội để sớm sửa đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn