MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia súc, gia cầm chết vì hít phải khí amoniac

Khí amoniac khiến động vật chết, người hôn mê thế nào?

L.Hà LDO | 11/10/2017 11:07
Sáng 10.10, một vụ rò rỉ khí amoniac (NH3) tại trạm chiết gas amoniac thuộc Công ty TNHH Vĩnh Lộc (số 217B/7 ấp 2, xã An Phú Tây, H.Bình Chánh, TP.HCM) khiến 4 người phải nhập viện, hàng chục gia súc, gia cầm của người dân tại khu vực chết.

Nhiều người chưa hiểu khí NH3 nguy hiểm thế nào khiến động vật chết hàng loạt, người ngửi phải khí có triệu chứng say.

PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích: Amoniac (còn gọi là  amonia) là tổ hợp của amonia tự do NH3 và ion NH4+. Amonia này có thể xuất hiện từ nguồn nước thải chưa qua xử lý của các nhà hàng, quán ăn, từ các hộ dân; hoặc từ quá trình yếm khí trong nước mà trong đó, Nitơrat và các hợp chất Nitơ chuyển hóa thành amonia… Còn ở trong vụ việc này, NH3 được xác định do rò rỉ, khi đó HN3 ra ngoài không khí bay hơi rất nhanh.

PGS.TS Trần Hồng Côn nhấn mạnh: "Nồng độ amoniac ở trong môi trường cao thì rất nguy hiểm đối với tính mạng con người và động vật. Khi con người, động vật tiếp xúc với nồng độ cao amoniac trong không khí gây bỏng niêm mạc mũi, cổ họng và đường hô hấp. Điều này có thể phá hủy đường thở dẫn đến suy hô hấp. Hít nồng độ thấp hơn có thể gây ho và kích ứng mũi họng, kích ứng mắt gây chảy nước mắt.

Cũng theo PGS.TS Côn, nếu tiếp xúc với amoniac đậm đặc, da, mắt, họng, phổi có thể bị bỏng rất nặng. Những vết bỏng có thể gây mù vĩnh viễn, bệnh phổi, hoặc tử vong. Nếu nuốt phải HN3 hoặc vô tình ăn/uống amoniac đậm đặc có thể bỏng ở miệng, cổ họng và dạ dày, đau dạ dày nghiêm trọng, nôn. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy amoniac gây ung thư. Không có bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với nồng độ amoniac tìm thấy trong môi trường gây ra dị tật bẩm sinh hoặc các hiệu ứng phát triển khác.

Tuy độc hại nhưng amoniac có vai trò nhất định trong đời sống. HN3 được tìm thấy trong đất, nước, không khí và là nguồn nitơ rất cần thiết cho cây trồng vật nuôi. Amoniac trong môi trường xuất phát từ sự phân hủy tự nhiên của phân bón, thực vật đã chết và động vật, nhà máy điện, khí thải sản xuất khác.

Amoniac cần thiết cho sự tổng hợp DNA và protein. Cơ thể sản xuất khoảng 17g amoniac mỗi ngày, trong đó khoảng 4g được hấp thu vào hệ thống tuần hoàn của cơ thể, phần còn lại bài tiết qua nước tiểu. Lượng amoniac con người hấp thu vào cơ thể từ các nguồn bên ngoài là khoảng 18mg mỗi ngày, từ đạm và các loại thực phẩm nhất định có chứa phụ gia muối amoni và từ không khí, nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn