MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gót chân sau khi được tái tạo. Ảnh BS cung cấp

Khỉ cắn đứt gân chân gây viêm loét, suýt tàn phế

L.Hà LDO | 17/07/2017 12:35
Bệnh nhân Trần Mai D, 42 tuổi, ở tỉnh Thái Bình, bị khỉ cắn vào gót chân. Dù đã điều trị 1 tháng nhưng tổn thương lan rộng, viêm loét, hoại tử toàn bộ gót chân rộng 10x6cm và gân Achilles.

Ngày 17.7, GS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện (BV) Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng toàn bộ gót chân đã viêm loét, không đi lại được. Sau khi kiểm tra, chụp chiếu, các bác sĩ quyết định phẫu thuật tái tạo phần mềm gót chân và gân cho bệnh nhân.

“Lần đầu tiên, chúng tôi sử dụng một vạt chùm đùi trước ngoài để tái tạo phần mềm gót chân và gân Achilles. Vạt có hai cuống mạch xuyên, một cấp máu cho cân đùi được sử dụng tái tạo gân Achilles, một cấp máu cho mảnh da che phủ khuyết vùng gót. Vạt được gập đôi và tái tạo toàn bộ gân Achilles. Vạt da được làm mỏng hơn 15mm, vạt đủ mỏng để đảm bảo kết quả thẩm mỹ. Sau 8 ngày, bệnh nhân được xuất viện”, GS Sơn cho hay.

Trong phẫu thuật thuật tái tạo gân kinh điển, các phẫu thuật viên thường ghép gân tự do. Tuy nhiên, phương pháp này cho kết quả về khả năng phục hồi chức năng kém. Xu hướng phẫu thuật hiện đại là chuyển ghép gân có cuống mạch nuôi, nhưng việc tái tạo đồng thời khuyết phần mềm cổ chân và gân cùng một thì phẫu thuật là một kỹ thuật phức tạp. Kỹ thuật này có ưu điểm rút ngắn thời gian điều trị còn 1/4 so với kỹ thuật thông thường. Ngoài ra, bệnh nhân có thể phục hồi tốt cả chức năng và thẩm mỹ.

Hiện bệnh nhân có thể đi lại được. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tập phục hồi chức năng để gân mới hoạt động bình thường, lúc đó mới có thể co được bàn chân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn