MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ khám sức khỏe tiền hôn nhân cho một cặp đôi. Ảnh: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Khi nào thì nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân?

Thùy Linh LDO | 18/02/2023 09:33

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm văn minh thể hiện sự nghiêm túc với tương lai của 2 bạn và cả em bé sau này. Không chỉ với nữ giới mà cả với nam giới, việc này sẽ góp phần sinh ra những em bé khỏe mạnh. 

Tiền hôn nhân là giai đoạn từ lúc một người bắt đầu có khả năng sinh sản đến khi kết hôn, bao gồm cả trẻ vị thành niên khi đã bắt đầu có khả năng sinh sản, cho đến những người lớn tuổi hơn (30-40 tuổi) mà chưa từng kết hôn.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, bạn nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu 3-6 tháng trước khi kết hôn để có nhiều thời gian chuẩn bị.

BSCKII. Phạm Thúy Nga - Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Khoảng thời gian này đủ để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị khi các cặp đôi không may phát hiện các dấu hiệu bất thường của sức khỏe. Trong trường hợp 1 trong 2 người mắc bệnh truyền nhiễm thì 6 tháng cũng là thời gian hết "giai đoạn cửa sổ" để kết quả xét nghiệm được chính xác nhất.

Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, ngoài khám sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản, cặp đôi còn được tầm soát các bệnh lý di truyền, các bệnh truyền nhiễm và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ chồng cũng như con cái sau này. Các cặp vợ chồng chưa muốn có con sẽ  được tư vấn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình...

Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp những bạn trẻ chuẩn bị kết hôn có thể bước vào đời sống vợ chồng một cách tự tin với lối sống tình dục an toàn, sẵn sàng chào đón một em bé khỏe mạnh.

Nếu bạn là người vốn chưa có kinh nghiệm trong đời sống tình dục, khám sức khỏe tiền hôn nhân và nhận được sự tư vấn của bác sĩ sẽ giúp bạn trẻ chuẩn bị kiến thức, tâm lý đúng cho cuộc sống tình dục vợ chồng, tránh được những rắc rối trong đời sống tình dục.

Những bệnh tật mới xuất hiện liên quan đến đường sinh sản hoặc xuất hiện những hậu quả của các bệnh tật có từ trước ảnh hưởng đến sự sinh sản, thai nghén.

Nếu bạn và chồng muốn có con, khám tiền hôn nhân là sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh nở và đẻ ra những đứa con khỏe mạnh. Khám tiền hôn nhân giúp phát hiện và điều trị sớm (nếu có thể) một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau.

Mẹ tương lai nếu mong muốn có con sớm nhất cũng cần hiểu rõ và tiêm vắc xin cũng như bổ sung khoáng chất, chế độ dinh dưỡng sao cho hợp lý để chuẩn bị điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn.

Ngoài ra, điều này cũng một phần giúp phụ nữ kiểm soát sự mang thai, thời điểm có con và số lượng con cái một cách tốt nhất.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ bao gồm:

Khám thể lực: Đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, chỉ số BMI, mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở.

Khám lâm sàng theo các chuyên khoa

Khám cận lâm sàng: Bao gồm chụp X quang tim, phổi; xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, soi tươi dịch âm đạo và dịch niệu đạo.

Các trường hợp nghi ngờ, hướng dẫn bệnh nhân tiếp tục khám chuyên khoa sâu để xác định bệnh và hướng dẫn điều trị.

Quy trình cụ thể khám tiền hôn nhân cho nam và nữ:

Đối với nữ giới:

- BS thăm hỏi bệnh và khám lâm sàng

- Siêu âm phụ khoa

- Xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục phổ biến: viêm gan B, HIV, giang mai, lậu, Chlamydia, HPV

- Xét nghiệm nội tiết

- Các xét nghiệm cơ bản: huyết học, đông máu cơ bản, sinh hóa máu, tổng phân tích nước tiểu

- Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cho thai kỳ: Rubella virus, Cytomegalo virus, Toxoplasma

- Tư vấn tiêm phòng trước khi mang thai

- Nhiễm sắc thể đồ: sàng lọc bất thường di truyền mức độ nhiễm sắc thể

- Khác: điện di huyết sắc tố, xét nghiệm gen khi công thức máu có nghi ngờ mang gen Thalassemia,...

Đối với nam giới:

- Khám nam học: BS thăm hỏi bệnh và khám lâm sàng

- Siêu âm tinh hoàn

- Xét nghiệm tinh dịch đồ (thời gian kiêng giao hợp 2-7 ngày)

- Xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng

- Xét nghiệm nội tiết (khi kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ bất thường)

- Các xét nghiệm cơ bản: huyết học, đông máu cơ bản, sinh hóa máu, tổng phân tích nước tiểu

- Xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục phổ biến: viêm gan B, HIV, giang mai, lậu, Chlamydia...

- Nhiễm sắc thể đồ: sàng lọc bất thường di truyền mức độ nhiễm sắc thể.

- Khác: điện di huyết sắc tố, xét nghiệm gen khi công thức máu có nghi ngờ mang gen Thalassemia...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn