MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Dung thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Lam Quân

Khi sản phụ dùng tên bác sĩ đặt cho con mình

Lam Quân LDO | 13/09/2019 18:00
Ở Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt - Bỉ, nơi giúp vô số các cặp vô sinh hiếm muộn nan giải nhất có thể sinh con, nhiều người coi đó là một cái gì đó rất màu nhiệm và tài tình, vì tri ân và ngưỡng mộ các bác sỹ, họ đã lấy tên y bác sỹ đặt tên cho con mình.

Nữ bác sỹ Luyện Thị Ngọc Dung là một ví dụ.  

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, sau khi được đào tạo chuyên sâu về sản phụ khoa và thụ tinh trong ống nghiệm rồi học Thực hành lâm sàng trong hỗ trợ sinh sản IVF tại Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh), Ngọc Dung được mời về làm việc tại Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt - Bỉ (Địa chỉ: 23 Nguyễn Văn Trỗi -Thanh Xuân - Hà Nội) làm việc. Thời gian qua, Dung đã gắn bó với rất nhiều bệnh nhân hiếm muộn.

Chứng kiến họ vật vã đi khắp các bệnh viện trong cả nước, “có bệnh vái tứ phương”, tốn nhiều công sức và tiền của mà vẫn không tài nào có được mụn con để nương tựa lúc tuổi già xế bóng. Giọt nước mắt của những người phụ nữ đó đã ám ảnh bác sĩ Dung.

Dung kể, có những người cứ như trời làm cho họ tuyệt đường sinh sản ấy, Dung và các y bác sĩ phải vận dụng hết mọi trang thiết bị và phương pháp tân tiến nhất, tâm huyết và công phu nhất thì mới giúp họ có em bé được.  

Trường hợp của anh Nguyễn Trọng Trung ở một tỉnh phía Nam, anh chị lấy nhau 17 năm mà vẫn chưa có con. Chị vợ 36 tuổi nhưng mười mấy năm trời không có kinh nguyệt. Đi nhiều bệnh viện, người ta chỉ biết lắc đầu. Chị lại bị u tuyến yên, nó làm tăng nội tiết Prlolactin làm ức chế buồng trứng, không phóng noãn.

Anh chồng thì dù khoẻ, dù vẫn quan hệ, có tinh dịch đều nhưng lại hầu như không có tinh trùng. Bác sĩ Hà Ngọc Mạnh, Phó Giám đốc bệnh viện phải chọc mào tinh hoàn, “bắt” từng con tinh trùng khoẻ mạnh “nhốt” lại để xử lý.

Bác sĩ Dung kể: Tôi gặp vợ chồng anh Trung vào ngày 6.3.2017, khi tìm cách chọc kích trứng. Từ đó, có được 4 phôi với chất lượng khá tốt. Nín thở theo dõi sát sao từng giờ từng phút. Cuối cùng vẫn phải “chuyển phôi trữ quá kích buồng trứng”.

Chuỗi ngày sản phụ nằm dài lo lắng, thở oxy, chọc hút ổ dịch bụng, tiêm đủ loại thuốc rất mệt mỏi. Sản phụ như chim sợ cành cong, chị vô cùng hoang mang. Khi thai kỳ kết thúc, các cháu bé ra đời trong sự hân hoan tột độ không chỉ của bệnh nhân và gia đình họ.

Bác sĩ Luyện Thị Ngọc Dung. Ảnh: Lam Quân

Có những lần, như trường hợp chị Tuyết ở Hải Dương, việc sinh con là một hành trình “dao kéo”, phẫu thuật căng thẳng. Bác sĩ Dung kể: “Chị này cưới năm 2012, đã nhiều lần mang thai, ít nhất 4 lần thai đậu được 6- 8 tuần rồi lần lượt chết lưu do mất tim thai. Đi khám rất nhiều nơi không ai tìm ra nguyên nhân gì. Khi đến Bệnh viện Việt- Bỉ, chúng tôi đã sớm phát hiện sản phụ bị triệu chứng “vách ngăn không hoàn toàn tử cung.

Sau khi phẫu thuật cắt vách ngăn, công phu tái tạo lại tử cung. Quả nhiên, mấy tháng sau chị Tuyết được đậu thai tự nhiên, uống bổ sung thuốc chống lưu thai. Hiện nay, chị đang chờ ngày “mãn nguyệt khai hoa”!"

Anh Thành, chị Lan (người Bắc Ninh), sau nhiều năm đau khổ vì không thể có con, nhờ các “bác sĩ Việt- Bỉ” nay đã sinh hạ một bé gái nặng 3,1 kg tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vào ngày 2.12.2018.

Ngày “đại thắng” ấy, anh chị đã gửi ảnh, nhắn tin qua zalo cho các y bác sĩ tử tế ở Bệnh viện Việt Bỉ để cảm ơn. Đồng thời, họ nói với bác sĩ Dung, cho phép đặt tên “thiên thần bé” của mình là Ngọc Dung, để sau này, bản thân họ và em bé khi lớn lên cũng không bao giờ quên ơn của Bệnh viện Việt Bỉ.

Đã có nhiều trường hợp như thế này xảy ra ở Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt- Bỉ. Câu chuyện ấy, khiến các bác sĩ vừa tự hào, vừa xúc động. Họ nói, đó là món quà cảm ơn ý nghĩa nhất mà họ nhận được từ những bệnh nhân yêu quý của mình. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn