MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia tăng số ca chó cắn nguy hiểm cho người nuôi

Khi vật nuôi "phản chủ": Đã đến lúc siết quản lý thú cưng

L.Hà LDO | 26/08/2018 07:48

Thêm một ca chủ nhà bị chính 2 con chó nuôi trong gia đình cắn  tử vong tại Hà Nội. Liên tiếp thời gian qua những ca tai nạn do chính vật nuôi trong gia đình, đặc biệt là chó gây nên. Tai nạn nhẹ thì xây xát, thậm chí tử vong.

Liên tiếp tai nạn chó cắn người 

Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội liên tiếp tiếp nhận những ca tai nạn do vật nuôi trong gia đình. Trong đó, chó là loài vật thường gây ra nguy hiểm cho người nuôi trong thời gian gần đây.

Giữa tháng 7.2018, một bé gái 8 tháng tuổi, nặng 10kg (ở Đội Cấn, Hà Nội) bị con chó nặng 40kg cắn tử vong. Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội đã nỗ lực cứu chữa nhưng không có kết quả, gia đình xin đưa bé về.

Nạn nhân nhập viện trong tình trạng mạch không, huyết áp không, da tái nhợt, bị biến chứng nặng nề của sốc mất máu. Bé gái bị vết thương ở vùng thái dương phải, lóc da vùng chẩm, chảy máu rất nhiều. Người nhà nạn nhân khi phát hiện bé bị chó cắn, ngay lập tức đã lao vào cứu cháu bé và cũng bị chó cắn vài nhát vào tay. 

Ngay cuối tuần qua, một người đàn ông ở quận Thanh Xuân, Hà Nội can ngăn 2 con chó becgie nhà nuôi đánh nhau. Ngay lập tức cả 2 con chó quay lại cắn chủ đến tử vong.

Quản lý lỏng lẻo thú nuôi?

Nuôi thú trong gia đình đã và đang được nhiều gia đình yêu thích. Bên cạnh những con vật đem lại niềm vui cho người nuôi, đã có không ít loài "phản" lại chủ. 

Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, tại Hà Nội có hơn 6.900 người bị chó cắn được báo cáo đến các cơ sở y tế. 

Các ca tai nạn do thú nuôi chủ yếu là chó thì câu hỏi đặt ra, phải chăng việc nhập chó cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại không có một quy định hạn chế nào. Các quy định pháp lý cũng không phân biệt chó dữ có được nhập hay không?

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT): Quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật thú y: Động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch và  trước khi nhập khẩu vào Việt Nam phải được kiểm dịch. Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch đã được Bộ NN&PTNT quy định tại Phụ lục I của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, theo đó chó thuộc diện phải kiểm dịch.

Mỗi năm trung bình có khoảng 350 con chó cảnh được nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức nuôi trong gia đình, khi chủ hàng đến Việt Nam công tác hoặc đi du lịch, … mang theo chó nuôi. Vì chó thường được nhập cảnh theo người đi công tác hoặc du lịch nên có thể từ nhiều quốc gia, nhưng chủ yếu là các quốc gia phát triển như ở các nước châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật,…

Cục Thú y có chức năng thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Đối với loài vật nuôi trong gia đình, bệnh dại chó là một bệnh được quan tâm, ưu tiên hàng đầu do ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến xã hội, gây thiệt hại về kinh tế.

Cũng theo ông Đông, hiện có nhiều quy định trong lĩnh vực thú y, trong đó Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 90/2017/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó như không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng...

Thủ tục nhập cảnh chỉ cần giấy có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y các nước theo tiêu chuẩn đã quy định. Nghị định số 05/2007/NĐ-CP của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật đề cập khá chi tiết. Cụ thể, động vật nhập khẩu vào Việt Nam phải có đủ các điều kiện như có giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu xác nhận là động vật đó không có triệu chứng lâm sàng của bệnh dại; Động vật có nguồn gốc từ vùng lãnh thổ, nước không có bệnh dại ít nhất 6 tháng trước khi xuất khẩu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn