MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BS Lương khi bị cơ quan điều tra bắt tạm giam. Ảnh tư liệu

Không cần thiết bắt tạm giam bác sĩ Hoàng Công Lương

Thùy Linh - Đặng Tiến LDO | 04/07/2017 06:45
Những câu chuyện liên quan đến “sự cố chạy thận” xảy ra vừa qua tại BVĐK tỉnh Hòa Bình vẫn chưa dừng lại khi bác sĩ (BS) Hoàng Công Lương - Khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình - bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra. Sự việc này đã gây hoang mang trong giới chuyên môn khi BS Lương không phải là đối tượng gây nguy hiểm cho xã hội, không nhất thiết phải tạm giam. 

Không chỉ cơ quan chuyên môn, các chuyên gia mà chính người nhà các nạn nhân trong vụ việc cũng viết đơn kiến nghị cho BS Lương được tại ngoại.

"Chỉ thiếu sót về thủ tục hành chính"

Ngay sau sự việc bắt tạm giam BS Lương, Bộ Y tế đã lên tiếng, Tổng hội Y học Việt Nam cũng đề nghị Công an tỉnh Hoà Bình cho BS Hoàng Công Lương được tại ngoại trong quá trình điều tra theo các điều của Bộ Luật tố tụng hình sự và đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét đầy đủ các yếu tố khách quan nhằm tránh oan sai, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của BS Lương.

GS-TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương - cũng bày tỏ: “Việc bắt tạm giam đối với BS Hoàng Công Lương thì tôi không đồng ý, tôi chưa thực sự tâm phục khẩu phục. Việc khởi tố vụ án là cần thiết nhưng trường hợp nào bắt tạm giam thì đáng lẽ cơ quan điều tra cần cân nhắc. Bởi luật quy định chỉ bắt tạm giam với những đối tượng gây ra tội phạm nghiêm trọng, hay đối tượng có nguy cơ bỏ trốn, người gây án tiếp tục gây ra những nguy hiểm cho xã hội. Cả ba yếu tố này anh Lương hoàn toàn không có".

GS Nguyễn Anh Trí cho rằng: "BS Lương là bác sĩ chữa bệnh, còn thực hiện là cái máy chạy thận nhân tạo. Bảo hành, bảo dưỡng, tu sửa máy ấy là đơn vị đến thực hiện từ chiều hôm trước. Thậm chí, sáng hôm sau, bộ phận này cũng có mặt, nếu nhận ra máy móc có vấn đề thì tại sao lại không kêu lên “tôi sục rửa chưa xong”. Để đến bây giờ xảy ra sự cố lại đổ cho BS Lương? Trong chuyện này, tôi đồng ý khởi tố nhưng tại sao lại bắt tạm giam mà không cho tại ngoại để điều tra?".

Đồng quan điểm này, GS-TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức - Cấp cứu và Chống độc VN - cho rằng: "Việc bàn giao thiết bị máy móc trước và sau khi sửa chữa bảo dưỡng trên giấy tờ chỉ là bàn giao về số lượng, chủng loại thiết bị… Nguồn nước khi được bàn giao cho nhân viên y tế để sử dụng, thực hiện kỹ thuật lọc máu cho người bệnh đương nhiên là đã đảm bảo chất lượng. Vì vậy, cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đưa ra kết luận BS Lương không biết chất lượng có đảm bảo hay không mà vẫn đưa vào sử dụng gây tử vong cho bệnh nhân là không thuyết phục.

BS Lương cho chỉ định lọc máu theo chương trình, sau khi được bàn giao qua điện thoại của người có trách nhiệm (nhân viên phòng vật tư của bệnh viện) là hợp lý, nếu chờ đợi bàn giao bằng văn bản sẽ mất thời gian và lỡ kế hoạch đã đề ra. Sai sót của BS Lương là thiếu sót về thủ tục hành chính” - GS-TS Bình kết luận.

Công đoàn y tế Việt Nam vào cuộc

CĐ Y tế Việt Nam cũng có công văn số 124/CĐYT gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hoà Bình đề nghị bảo lãnh cho BS Hoàng Công Lương. Chủ tịch CĐ Y tế Việt Nam Trần Thị Bích Hằng cho rằng: “Việc bắt giữ BS Hoàng Công Lương là chưa cần thiết”.

Ngay sau sự việc đáng tiếc xảy ra, ngày 29.6.2017, CĐ Y tế Việt Nam đã có buổi làm việc với Sở Y tế, CĐ ngành Y tế, Ban thường vụ CĐCS Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình và trao đổi với LĐLĐ tỉnh. BS Hoàng Công Lương được đánh giá có nhân thân tốt, hồ sơ lý lịch rõ ràng, là cán bộ có trình độ chuyên môn tốt. Trong quá trình công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn được đồng nghiệp tin tưởng; khi xảy ra vụ việc đã nêu cao tinh thần trách nhiệm động viên cán bộ, y bác sĩ trong khoa tích cực cấp cứu người bệnh. Đáp ứng nguyện vọng của cán bộ y tế tỉnh Hoà Bình nói riêng vào cán bộ y tế cả nước nói chung, Ban thường vụ CĐ Y tế Việt Nam đã đề nghị Sở Y tế tỉnh Hoà Bình nghiên cứu bảo lãnh cho BS Hoàng Công Lương được tại ngoại, không đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra.

"Cùng đó, CĐ Y tế Việt Nam đã họp và chuẩn bị làm việc với LĐLĐ tỉnh Hoà Bình thăm hỏi gia đình 2 cán bộ y tế bị bắt tạm giam và 11 cán bộ y tế cùng kíp trực. Đồng thời sẽ hỗ trợ một phần các bệnh nhân đang chạy thận do phải di chuyển tới bệnh viện khác. Việc bắt giữ 2 cán bộ y tế là nhiệm vụ của cơ quan cảnh sát điều tra, nhưng xét về tâm tư nguyện vọng của đoàn viên và ý thức trách nhiệm, thân nhân tốt cũng như để ổn định tinh thần làm việc của bệnh viện, theo tôi chưa cần thiết phải bắt tạm giam bác sĩ Lương" - bà Hằng cho biết.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn