MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế ngao ngán vì cảnh quá tải tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: K.Q

“Không chấp nhận cảnh 1 người bệnh, có 2-3 người thân chăm sóc”

Khương Quỳnh LDO | 07/07/2017 07:03
“Không chấp nhận được” - ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - đã phải thốt lên như vậy sau khi đi kiểm tra công tác điều trị trong mùa dịch bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Nhiều ý kiến đưa ra cho rằng, trong mùa dịch bệnh đang gia tăng, bên cạnh việc kiểm soát tình trạng vượt tuyến thì cũng cần kiểm soát cảnh “quá tải người nhà”.

Bệnh viện “mệt” vì dịch bệnh

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế vừa đi thực tế công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Số liệu báo cáo của bệnh viện này cho thấy, tính từ đầu năm 2017 đến ngày 2.7, số ca truyền nhiễm nhập viện là 1.666 ca, trong đó, số bệnh nhân của các tỉnh khác là 733 ca, chiếm 44%.

Tỉ lệ bệnh nhi từ các tỉnh đang tăng lên và bệnh viện phải chịu một áp lực rất lớn với lượng bệnh nhân chuyển về mỗi ngày. Lãnh đạo Bộ Y tế đã tỏ ra lo lắng khi nhìn cảnh nhiều giường bệnh tại khoa Sốt xuất huyết (SXH), Nhiễm - Thần kinh có đến 2-3 cháu phải nằm chung. Cứ mỗi bệnh nhi lại có 2-3 người nhà đi theo chăm sóc nên phòng bệnh càng thêm chật chội, ngột ngạt.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết: Bệnh viện được giao 1.400 giường nhưng thực kê là hơn 1.600 giường. Tuy đã kê thêm giường bệnh, song, số bệnh nhi nhập viện vượt quá số giường trên: “Bệnh nhân từ các tỉnh chuyển đến là những ca nặng, chúng tôi không thể từ chối. Bệnh viện cũng đã tập huấn, trao đổi với các bệnh viện ở tỉnh để xử lý nhưng do nhân lực biến động, hầu hết các tỉnh phía Nam cũng quá tải trong mùa dịch cho nên việc giảm tải rất khó khăn. Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng linh hoạt điều phối bệnh nhi giữa các khoa, tránh tập trung đông dễ lây nhiễm chéo”.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu đã lắc đầu ngao ngán với cảnh quá tải của Bệnh viện Nhi đồng 1 và cho rằng: “Không chấp nhận được. Sở Y tế TPHCM bằng cách nào đó tôi không biết phải kiểm soát vấn đề thân nhân nuôi bệnh tại các bệnh viện. Không thể có tình trạng quá tải bệnh nhân và còn quá tải người nhà như thế này”.

Ông Phu cho rằng, có nhiều cách để kiểm soát tình trạng “quá tải người nhà”. Ví dụ như phát thẻ cho người nuôi bệnh với tiêu chuẩn mỗi bệnh nhân có 1 thẻ người nhà. Việc người nhà thích vào thì vào khiến cho chất lượng điều trị giảm và tăng khả năng lây nhiễm trong bệnh viện, nhất là ở những khoa điều trị bệnh truyền nhiễm. Cục trưởng cho biết, sắp tới sẽ họp và chỉ đạo các tỉnh, thành vấn đề chuyển bệnh nhân. Trường hợp nào được chuyển, trường hợp nào phải giữ lại điều trị, tránh gây áp lực cho bệnh viện tuyến trên.

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - cũng kiến nghị: “Bệnh viện Nhi đồng 1 cần xem xét lại vấn đề quá tải. 2-3 bệnh nhi nằm chung một giường đã chật chội rồi. Mỗi cháu lại có thêm 2-3 người nhà đi chăm sóc gây quá tải, rất khó coi”.

Lo ngại dịch bệnh tăng cao

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM tính đến hết tháng 6, số ca bệnh SXH cộng dồn là 8.994 ca, tăng 8% so với năm 2016. 3 trường hợp tử vong vì SXH và 1 trường hợp tử vong có yếu tố liên quan đến SXH. Cũng trong 6 tháng đầu năm, TPHCM ghi nhận 21 ca dương tính với virus Zika trong đó có 13 phụ nữ mang thai. 5 thai phụ đã kết thúc thai kỳ. Bệnh tay-chân-miệng cộng tính đến thời điểm hiện tại là 2.032 ca.

Cục trưởng Trần Đắc Phu cho biết, dịch bệnh năm nay vào mùa sớm và diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu cộng với sự dịch chuyển dân số cao tại TPHCM: “Do vậy, TPHCM không được lơ là bệnh nào và trong khối điều trị phải có giải pháp chống lây chéo. Nếu dịch kéo dài sẽ làm tình trạng quá tải bệnh viện càng thêm nặng nề”.

Ông Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - cho rằng các bệnh truyền nhiễm hiện nay như SXH, Zika, viêm não Nhật Bản đều có nguyên nhân truyền bệnh…xoay quanh con muỗi. Do vậy, những giải pháp khống chế bệnh phải tập trung vào vấn đề tiêu diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy. Việc phòng chống dịch không chỉ dựa vào riêng ngành y tế mà phải có sự chung tay và chủ động của người dân.

Bên cạnh đó, ở khối điều trị, đặc thù các bệnh viện lớn tại TPHCM là hơn 40% số bệnh nhân từ các tỉnh đổ về. Đó cũng là lý do mầm bệnh từ 20 tỉnh, thành phía Nam tập trung về. Do vậy, các bệnh viện phải làm sạch mầm bệnh, tránh lây nhiễm chéo.

Bên cạnh đó, TPHCM phải tập huấn các tỉnh về điều trị an toàn và chuyển bệnh, hạn chế mầm bệnh về TP và nâng cao năng lực y tế tuyến dưới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn