MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không công bố dịch SXH, nửa đêm lọ mọ đi diệt muỗi

Lệ Hà LDO | 14/08/2017 20:50
Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) gia tăng từng ngày tại Hà Nội. Mặc dù Hà Nội luôn khẳng định khống chế được bệnh SXH nhưng thời điểm này phải tổng lực diệt muỗi ngày đêm.

“Trên lạnh, dưới nóng”

Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - khẳng định: Bệnh SXH lưu hành quanh năm nên Hà Nội luôn chủ động, sẵn sàng trong việc phòng chống SXH. Các ban ngành đã có chỉ thị, chỉ đạo việc phòng, chống dịch SXH ngay từ đầu năm.

Dường như các biện pháp chưa hiệu quả khiến bệnh SXH gia tăng từng ngày. Hà Nội trở thành địa phương có ca mắc SXH cao, đứng thứ 5 trong cả nước có số ca mắc cao nhất tính theo tỷ lệ mắc bệnh/100.000 dân.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng khẳng định: Hà Nội đã huy động mọi nguồn lực cho phòng, chống bệnh SXH. Cụ thể, Thành uỷ Hà Nội đã có chỉ đạo, UBND TP.Hà Nội đã có chỉ thị, các đoàn thể, cơ sở y tế đã vào cuộc. Kinh phí cho công tác phòng, chống SXH đã lên tới gần 20 tỷ đồng, các địa phương cũng trích ngân sách cho công tác phòng, chống SXH.

Xe phun thuốc muỗi tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa.

Cả 2 yếu tố để công bố dịch bệnh là công khai dịch bệnh và huy động nguồn lực, Hà Nội đã làm quyết liệt và đầy đủ. Tuy nhiên, do tình hình SXH hiện nay đang diễn biến phức tạp nên các đơn vị liên quan đang theo dõi chặt chẽ. Trong tình hình cụ thể, Hà Nội sẽ cân nhắc và đề xuất việc công bố dịch SXH sao cho phù hợp.

Trên thực tế, bệnh SXH vẫn không có xu hướng giảm mà còn tăng lên, buộc Hà Nội phải thực hiện tổng lực chiến dịch diệt muỗi bắt đầu từ sáng 14.8. Để hỗ trợ Hà Nội phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã cấp cho Hà Nội 30 máy phun ULV đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200.

Tổng lực diệt muỗi, bọ gậy

Bộ Y tế đã chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh các tỉnh, thành phố hỗ trợ Hà Nội máy phun hóa chất công suất cao để thực hiện phun hóa chất diện rộng dập SXH.

Xe vòi rồng phun thuốc muỗi hoạt động cả đêm và ngày tại các điểm nóng của bệnh SXH.

Đã có 19 tỉnh, thành phố hỗ trợ 19 máy phun công suất lớn cho Hà Nội là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Ngay trong sáng 14.8, chiến dịch phun thuốc diệt muỗi đã được tiến hành tại xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì): phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai); phường Vĩnh Tuy, ĐH Xây dựng, ĐH Bách Khoa và ĐH Kinh tế quốc dân (quận Hai Bà Trưng) và khu vực phường Láng Thượng (quận Đống Đa).

Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiến hành phun diện rộng ở phường Láng Thượng với khoảng 40 máy phun ULV đeo vai kết hợp với máy phun ULV cỡ lớn đặt trên ôtô. Còn tại các quận, huyện khác vẫn tiếp tục triển khai thực hiện phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội - cho biết, chúng ta cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để người dân hiểu bản chất của phòng chống dịch. Đó là việc diệt bọ gây, giữ vệ sinh mới là giải pháp căn cơ. Phun hóa chất chỉ là giải pháp diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh ngay tại thời điểm đó. Hiện nay phương pháp phun chủ yếu là phun khí dung, chỉ tồn tại và tiêu diệt được 2-3 tiếng. “Trong trường hợp ngày hôm trước phun hóa chất, nhưng ngày hôm sau vẫn phát hiện loại muỗi truyền bệnh SXH thì chứng tỏ ở đó có ổ bọ gậy và chúng đã nở ra thành muỗi. Như vậy là xử lý chưa triệt để. Biện pháp bền vững, triệt để và lâu dài nhất là phải diệt bọ gậy thường xuyên, liên tục trong tuần ở trong gia đình, các công trường xây dựng, bãi đất trống, cơ quan trường học…” TS Cảm nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn