MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khuyến cáo của bác sĩ từ vụ học sinh cấp 3 bất ngờ bị đột quỵ

YẾN PHƯƠNG LDO | 26/03/2023 08:00
Hiện nay, tình trạng đột quỵ ngày càng trẻ hóa và đang có chiều hướng gia tăng trong mùa nắng nóng.

Đột quỵ ngày càng trẻ hóa

Mới đây, thông tin một nam sinh lớp 12 tên H.H.C (SN 2005, Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị đột quỵ khiến nhiều người bất ngờ. Trước đó, sức khỏe của em C vẫn bình thường. Hằng ngày em phụ giúp bố mẹ làm nông và đi phụ hồ vào cuối tuần. Nhưng chỉ sau một cơn đau đầu, C bị co giật toàn thân và hôn mê.

Tương tự, vào tháng 4.2021, một nữ sinh lớp 12 tại Long An cũng đột ngột co giật, hôn mê do đột quỵ sau khi tan học về. Tháng 10.2021, một bé 8 tuổi ở An Giang bị đột quỵ nhồi máu não và được cứu sống tại Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ.

Theo các bác sĩ, hiện nay tình trạng đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa, và việc điều trị đột quỵ đối với người trẻ lại càng phức tạp hơn.

Ths.Bs Nguyễn Văn Phong - Trưởng khoa Nội thần kinh Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết: “Ngày nay, do người trẻ có lối sống sinh hoạt ít vận động, nhất là với đối tượng học sinh, ngồi lâu để học bài hoặc chơi game, chơi điện tử, xem điện thoại, chế độ ăn uống không hợp lý… dễ sinh ra các bệnh nền, khiến cho nguy cơ đột quỵ cao hơn”.

Theo thống kê, đột quỵ nhồi máu não chiếm khoảng 80% các trường hợp, đột quỵ xuất huyết não chiếm khoảng 20% các trường hợp. Với những người trẻ bị đột quỵ, thường sẽ thuộc nhóm xuất huyết não, yếu tố thúc đẩy là tăng huyết áp.

Theo Ths.Bs Nguyễn Văn Phong, dấu hiệu nhận biết của đột quỵ sẽ thay đổi theo nhiều trạng thái. Từ triệu chứng khởi phát âm thầm, nhẹ nhàng như đau đầu, chóng mặt, sụp mi mắt, cho đến méo miệng, liệt tay chân, mất cảm giác, mất ngôn ngữ, ăn sặc, nuốt sặc, và nặng hơn nữa là hôn mê.

Đối với người trẻ, việc điều trị đột quỵ khá phức tạp, hậu quả để lại có thể khiếm khuyết vận động và cảm giác, mất ngôn ngữ, thiểu năng trí tuệ, rối loạn hành vi và động kinh; ảnh hưởng rất lớn tới đời sống và sinh hoạt, mất chức năng lao động, phải nằm một chỗ cần có người chăm sóc, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Khuyến cáo đột quỵ mùa nắng nóng

Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng trong những ngày gần đây, bên cạnh các bệnh về đường hô hấp thì đột quỵ cũng gia tăng, mỗi ngày tại các bệnh viện đều tiếp nhận những trường hợp cấp cứu vì đột quỵ.

Thời tiết nắng nóng, tình trạng đột quỵ ngày càng gia tăng. Ảnh: Phong Linh

Bác sĩ CKI Nguyễn Hữu Thái – Trưởng khoa Can thiệp nội mạch – Nội tim mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ) chia sẻ, nhiệt độ và môi trường sống ảnh hưởng rất nhiều tới cơ thể của con người. Nhất là với các bệnh nhân đã có những bệnh lý về tim mạch, huyết áp, tiểu đường, béo phì… thời tiết nắng nóng vào ban ngày và chuyển lạnh về đêm sẽ là yếu tố thuận lợi, thúc đẩy để kích thích bệnh nhân rơi vào tình trạng đột quỵ.

Điều đáng nói là nhiều người lầm tưởng đột quỵ với say nắng, nên đã tự thực hiện các biện pháp điều trị tại nhà. Điều này rất nguy hiểm. Bởi khi kéo dài thời gian, tình trạng đột quỵ của bệnh nhân sẽ nặng hơn và cơ hội phục hồi thấp hơn.

Do đó, Ths.Bs Nguyễn Văn Phong khuyến cáo những người trẻ và các em học sinh, trong thời tiết nắng nóng này, hạn chế làm việc kéo dài ở ngoài trời, cần tránh để cơ thể tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ thay đổi một cách đột ngột.

Ví dụ đang trong phòng máy lạnh nhiệt độ thấp mà ra ngoài trời nắng nhiệt độ cao, làm nhịp tim tăng nhanh, huyết áp cao hơn dễ dẫn đến đột quỵ, vậy nên cần thay đổi nhiệt độ từ từ, không quá chênh lệch.

Đồng thời, cần có thời gian nghỉ ngơi, bổ sung nước, điện giải đầy đủ, tập thể dục thể thao vừa phải, ăn nhiều rau xanh, hạn chế những đồ dầu mỡ, nội tạng và đồ ăn nhanh.

Đặc biệt, riêng với những người trẻ có bệnh nền sẵn, cần đi khám định kì thường xuyên, làm những xét nghiệm cần thiết để kiểm soát các chỉ số về huyết áp, tiểu đường, nhịp tim, mỡ máu. Khi cơ thể có những biểu hiện bất thường về thần kinh, nên đi khám và tìm nguyên nhân sớm để điều trị kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn