MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phòng chống dịch bệnh sau mưa bão

Khuyến cáo nguy cơ dịch bệnh sau bão số 9 Usagi

LH LDO | 01/12/2018 18:37

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi các sở y tế 6 tỉnh, thành triển khai biện pháp để đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường phòng chống nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải, phòng chống dịch bệnh sau lũ.

Theo đó, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu cần khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp liên quan tới công tác nước sạch, vệ sinh.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) Hoàng Thị Liên Hương, trong những ngày qua, do ảnh hưởng của bão, tại các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu có mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất, ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều tỉnh như Khánh Hòa, Phú Yên. Sau lũ các địa phương trên khẩn trương triển khai một số biện pháp vệ sinh môi trường; thường xuyên các hoạt động kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn.

Đặc biệt, các đơn vị trên cần bố trí và cung cấp đủ hóa chất, phương tiện, trang thiết bị để xử lý nước, xử lý môi trường như cloramin B, aquatabs, máy phun hóa chất diệt khuẩn... 

Bên cạnh đó, Sở Y tế các tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ Clo dư luôn đạt từ 0,3- 0,5 mg/lít tại vòi sử dụng; kiểm tra vệ sinh chất lượng nước tại hộ gia đình.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau những ngày mưa lũ.

Theo đó, cần thiết phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Ngoài ra, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật, tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Ngành Y tế sẽ giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn…

Tuy nhiên, người dân cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn