MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Đàm Thị Hạnh chia sẻ về sự thay đổi ngoạn mục sau khi được điều trị theo phác đồ của IBM (Ảnh: Thùy Linh)

Kì diệu trí tuệ nhân tạo giúp bệnh nhân ung thư vượt "cửa tử"

Thùy Linh LDO | 08/05/2018 18:03

Tình hình sức khỏe của các bệnh nhân ung thư được điều trị bằng phác đồ từ công nghệ trí tuệ nhân tạo đang hết sức khả quan, mang lại nhiều hy vọng cho bệnh nhân và bác sĩ. 

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi gặp gỡ báo chí thông tin sau 4 tháng triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư (công nghệ IBM Watson for Oncology) do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tổ chức ngày 8.5. 

IBM Watson for Oncology là hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ trong điều trị ung thư được phát triển bởi tập đoàn IBM của Hoa Kỳ. Hiện tại, IBM Watson for Oncology đã hỗ trợ được 20 bệnh ung thư phổ biến nhất như vú, phổi, dạ dày, đại tràng, trực tràng, bàng quang, tiền liệt tuyến, cổ tử cung...

Công nghệ IBM Watson for Oncology đã được triển khai tại hơn 80 bệnh viện và các cơ sở y tế tại 13 quốc gia trên thế giới. Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ là đơn vị y tế đầu tiên tại Việt Nam triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến này.

Giám đốc BVĐK Phú Thọ trao đổi với báo chí (Ảnh: T.L)

Bác sĩ Ngô Hữu Hà - PGĐ BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, công nghệ này có thể tóm tắt được đặc điểm y tế chính của bệnh nhân, cung cấp thông tin cho bác sĩ, sắp xếp lựa chọn phác đồ điều trị, từ đó giúp các bác sĩ lựa chọn được phác đồ điều trị mới nhất, phù hợp nhất cho từng người bệnh.

"Đây không chỉ là cơ hội cho bệnh nhân ung thư tiếp cận được các phác đồ điều trị chuẩn mà còn giúp các bác sĩ có cơ hội nâng cao trình độ, cập nhật nhanh chóng các phác đồ điều trị tiên tiến trên thế giới. Công nghệ đám mây, bệnh án được cập nhật liên tục, sẽ tự động lựa chọn phác đồ điều trị tối ưu trên thế giới cho người bệnh"- BS Hà nói. 

BS đang thao tác trên hệ thống IBM (Ảnh: T.L)

Hiện nay, bệnh viện đang điều trị cho 19 bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Đà Nẵng, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Ngày càng nhiều bệnh nhân quan tâm đến công nghệ này, trung bình mỗi ngày bệnh viện nhận được khoảng 30-50 cuộc gọi tư vấn.

Tiêu biểu là bệnh nhân Đàm Thị Hạnh (ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc) mắc ung thư phổi giai đoạn 4 di căn vào xương cột sống, xương chậu. Sau một thời gian điều trị bằng các phương pháp hóa trị, điều trị đích không có hiệu quả, sức khỏe bệnh nhân sa sút nghiêm trọng. Bệnh nhân không thể tự di chuyển, người mệt mỏi, đau đớn, đối diện cái chết. Sau khi biết đến công nghệ IBM, chị đã được gia đình đưa lên BVĐK tỉnh Phú Thọ. Tại đây, căn bệnh của chị Hạnh tìm được phác đồ điều trị nhờ IBM.

Các bệnh nhân ung thư tại buổi hội thảo về trí tuệ nhân tạo (Ảnh: T.L)

"Sau 2 tuần điều trị, chị Hạnh thấy sức khỏe tiến triển rất tốt. Hiện tại, sau 2 tháng điều trị theo phác đồ mà các BS sử dụng IBM, chị Hạnh đã khỏe lên rất nhiều, các khối u trong phổi nhỏ đi, tiên lượng điều trị rất khả quan"- Trần Xuân Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết. 

Việc đưa công nghệ mới này vào điều trị sẽ góp phần quan trọng giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương; đặc biệt, giảm chi phí cho người bệnh khi không phải lên tuyến trên hoặc ra nước ngoài khám chữa bệnh mà vẫn có đầy đủ những thông tin và phác đồ điều trị tối ưu trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân ung thư của tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn