MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một buổi học tiêm filler được đăng tải để quảng cáo cho khoá học làm đẹp Ảnh: P.V

Làm đẹp bằng tiêm filler giá siêu rẻ: Suýt mù mắt

NHÓM PHÓNG VIÊN LDO | 09/11/2019 18:31

Thời gian qua, liên tục xuất hiện nhiều trường hợp bị mù mắt khi làm đẹp bằng cách tiêm chất làm đầy (filler) tại các cơ sở thẩm mỹ trôi nổi. Nguyên nhân là bởi chính những người dù mặc áo blouse trắng, cầm kim tiêm nhưng lại không hề được đào tạo bài bản, thiếu kiến thức và trục lợi từ nhu cầu làm đẹp chính đáng của người dân.

Tiêm filler giá siêu rẻ

Theo tìm hiểu của phóng viên, rất nhiều người hành nghề thẩm mỹ, trực tiếp tiêm filler cho khách nhưng không có chứng chỉ hành nghề hay được cơ quan chức năng công nhận. Bỏ ra khoảng từ 3-5 triệu đồng để học nghề tiêm filler theo kiểu “học gạo”, học viên sau khi kết thúc vài buổi học đã có thể mở cơ sở thẩm mỹ phục vụ khách hàng.

L.M (23 tuổi, ngụ tại TP.Hồ Chí Minh) - là chủ một cơ sở thẩm mỹ mini. Trên trang cá nhân của mình, cô nàng thường xuyên đăng tải những hình ảnh về các dịch vụ nâng mũi, bơm môi, sửa mí... Tất cả các dịch vụ này đều được L.M thực hiện tại nhà mình trong căn phòng chỉ vẻn vẹn hơn 20m2.

“Giờ học hành bằng cấp bài bản thì biết đến bao giờ mới làm được. Học nhanh nhất thì cứ theo người có kinh nghiệm, xem họ tiêm ra sao rồi mình làm theo. Tìm thêm mấy video người ta đăng làm trực tiếp trên mạng nữa, qua vài buổi là tiêm vèo vèo” - L.M chia sẻ với phóng viên.

Trong khi đó, chỉ cần tìm kiếm từ khóa “tiêm filler” trên facebook, ngay lập tức, hàng loạt các địa chỉ nhận tiêm filler hiện ra với hình ảnh minh họa những đôi môi căng mọng, sống mũi cao vút, cặp má bầu bĩnh. Đáng chú ý, dịch vụ này được quảng cáo rầm rộ ở nhiều địa chỉ với giá siêu rẻ, chỉ từ 200.000-800.000 đồng/mũi tiêm filler.

Liên hệ với một tài khoản có tên H.L (ở quận 4, TPHCM), phóng viên Lao Động được bà chủ cơ sở thẩm mỹ cho biết: “Hiện cơ sở đang có chương trình khuyến mãi tiêm filler mũi, tiêm cằm, tiêm tai tài lộc, tiêm má baby, tiêm thái dương với giá chỉ 299.000 đồng. Ngoài ra, tiêm botox - một dạng chất làm đẹp khác có tác dụng làm thon gọn, giảm nếp nhăn với các dịch vụ gọn hàm, hạ gò má, gọn bắp tay… Có giá 500.000 - 1.000.000 đồng. Tất cả sản phẩm được nhập từ Hàn Quốc và bảo hành 12 tháng”.

Phóng viên tiếp tục liên hệ một thẩm mỹ viện X.T.H (ở quận Tân Bình, TPHCM), chủ cơ sở tên Trúc nhanh nhẹn giới thiệu, combo tiêm nâng mũi và cằm đang có giá khuyến mại 599.000 đồng cho 1cc filler.Sau khi nghe tư vấn, tỏ ra lo ngại về biến chứng có thể gặp phải, chúng tôi bèn đánh liều hỏi cơ sở đã có giấy phép hay chưa thì chủ cơ sở lảng sang chuyện khác rồi lại thao thao bất tuyệt về vẻ đẹp mà filler mang lại.

Bên cạnh những cơ sở tiêm filler giá rẻ chỉ vài trăm nghìn đồng, còn có một số cơ sở thẩm mỹ tiêm filler với giá từ 2-3 triệu đồng/mũi được quảng cáo là filler nhập khẩu Mỹ và bảo hành trong 2 năm. Nhiều cơ sở còn công khai mở khoá đào tạo học viên tiêm filler với mức phí 5 triệu đồng/khoá học 1-2 tháng. Kết thúc khoá đào tạo, các học viên sẽ được cấp “giấy chứng nhận” đã học nghề tại cơ sở thẩm mỹ và công dụng thực chất có lẽ chỉ để “làm cảnh”.

Cẩn trọng rước bệnh vào thân

Ngày 27.10, chị P.V.T (21 tuổi, ngụ Bình Phước) trong lúc mới tiêm được nửa ống filler nâng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ gần nhà thì bất ngờ cảm thấy đau nửa đầu, hàm trái đau nhức, ù tai, mắt mờ dần đi. Ngay trong đêm, chị T đã được gia đình chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) cấp cứu trong tình trạng khuôn mặt bị biến dạng, suýt bị mù mắt bên trái. Bên hành lang bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh), chồng chị T cho biết: “Lúc đầu tôi cũng có khuyên là không nên làm nhưng vợ tôi cứ bảo chủ cơ sở nói tiêm 1 lần không sao, nếu không tiêm nhiều thì mũi lại về như cũ thôi.

Người chồng cũng cho hay, khi thực hiện nâng mũi bằng filler, vợ mình không tìm hiểu chuyên môn hay bằng cấp của người thực hiện, cơ sở thẩm mỹ cũng không có hứa hẹn rõ ràng về bảo hành sau khi tiêm. Theo đó, giá mũi tiêm filler mà chị T thực hiện có giá khoảng 2 triệu đồng. Tuy nhiên, tiền viện phí để điều trị biến chứng hiện nay đã lên tới hơn 10 triệu đồng.

Nằm điều trị chung phòng với chị P.V.T, còn có bệnh nhân N.T.H (52 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) với tình trạng biến dạng sống mũi, thâm tím xung quanh khu vực được tiêm filler. Đến ngày 6.11, bà H đã điều trị tại khoa Tạo hình và Phẫu thuật thẩm Mỹ (bệnh viện Chợ Rẫy) được hơn một tuần.

Trước đó, vào cuối tháng 10, sau khi tiêm filler nâng mũi, một bé gái 13 tuổi ở Yên Bái đã phải cấp cứu tại Bệnh viện Mắt Trung ương trong tình trạng đau mắt bên phải, thị lực giảm dần, đau đầu nhiều và buồn nôn.

Nói về hoạt động tiêm filler để làm đẹp, PGS-TS Đỗ Quang Hùng - Khoa Tạo hình Thẩm mỹ (Bệnh viện Chợ Rẫy) - cho biết, tiêm filler là kỹ thuật đòi hỏi bác sĩ được đào tạo, nắm vững cấu trúc mạch máu. Thủ thuật này cần phải được thực hiện tại các cơ sở được cấp phép và đủ điều kiện xử trí cấp cứu khi sự cố xảy ra. Nếu không được đào tạo thì không được phép làm kỹ thuật này trên người bệnh nhân.

Trao đổi với phóng viên, TS-BS Phạm Trịnh Quốc Khanh - Trưởng khoa Bỏng, Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương TP.Hồ Chí Minh - cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận điều trị cho các trường hợp làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ không có giấy phép bị biến chứng nặng nề. Theo đó, trung bình mỗi tháng, bệnh viện có 1 đến 2 người bị biến chứng vì thẩm mỹ này. Thậm chí, có tuần có cả 4 trường hợp bị biến chứng do làm đẹp ở cơ sở không phép như tiêm chất làm đầy, làm trắng da.

“Tiêm filler là một thủ thuật mà nếu người thực hiện không phải là bác sĩ sẽ không có mũi tiêm đúng quy chuẩn. Ngoài ra, khi tiêm filler, thấy có biến chứng nên đến bệnh viện sớm nhất để được can thiệp. Đối với tổn thương da phải được can thiệp trong vòng 6 giờ, trường hợp nghi ngờ tổn thương mắt phải được cấp cứu trong giờ vàng, từ 60- 90 phút sau đó. Đáng lưu ý, khi tiêm filler phải đảm bảo được các điều kiện kỹ thuật, vô trùng do Bộ Y tế đưa ra” - bác sĩ Khanh khuyến cáo.

PGS-TS Nguyễn Hữu Sáu - Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương - cho rằng: “Việc các spa, thẩm mỹ viện không uy tín, người làm thủ thuật (không phải nhân viên y tế) không được đào tạo bài bản, vật tư y tế không đảm bảo nguồn gốc làm tăng cao tỉ lệ biến chứng… Việc vô trùng không đảm bảo còn ẩn chứa nguy cơ lây truyền các bệnh lý nguy hiểm như HIV, viêm gan b, viêm gan C… Đặc biệt, đối với các bệnh nhi, khi cơ thể chưa phát triển hoàn thiện đầy đủ thì không nên can thiệp thẩm mỹ khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa”.

Ths-BS Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ và Hàm mặt (Bệnh viện E) - cho biết: Có rất nhiều filler từ nhiều thương hiệu khác nhau được ứng dụng để làm đẹp. Các loại filler bắt buộc phải được Bộ Y tế cấp phép thì các cơ sở thẩm mỹ mới được phép chỉ định và sử dụng cho bệnh nhân. Hiện nay Bộ Y tế Việt Nam và các tổ chức y tế lớn trên thế giới cũng đồng thuận cho việc sử dụng filler trên cơ thể của con người nhưng tiêu chuẩn vô cùng khắt khe, không thể tùy tiện chỉ định...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn