MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lạm dụng thuốc corticoid, hậu quả khôn lường

ĐẶNG XUÂN THẮNG LDO | 13/05/2022 10:00
Lạm dụng corticoid ngày càng trở nên phổ biến. Đây là loại thuốc thường được người dân tìm mua để chữa viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, đau xương khớp, hen, lupus…

Có tình trạng một số nhà thuốc bán corticoid tràn lan mà không cần đơn của bác sĩ. Thậm chí một số kem bôi da như kem trộn, mỹ phẩm giả cũng có corticoid để làm trắng da hay được trộn vào nhiều loại sản phẩm như “thuốc gia truyền”, “cao, đơn, hoàn, tán”, “Đông y” không nhãn mác chữa bách bệnh. Gần đây nhất là việc tự ý dùng corticoid theo các đơn thuốc truyền tay nhau trên mạng để chữa COVID-19.

Tác dụng trong điều trị chính của thuốc corticoid đó là chống dị ứng bằng cách ngăn chặn phản ứng dị ứng, kháng viêm và ức chế miễn dịch dẫn đến giảm khả năng đề kháng nên dễ gây nhiễm khuẩn, nhiễm nấm và nhiễm virus.

Corticoid tương tự cortisol, một loại hormon được sản xuất tự nhiên bởi tuyến thượng thận của cơ thể. Cơ thể cần cortisol để khỏe mạnh. Cortisol đóng vai trò chính trong một loạt các quá trình trong cơ thể, bao gồm chuyển hóa, đáp ứng miễn dịch và căng thẳng (stress).

Tác hại khi sử dụng corticoid kéo dài

Ức chế sự phát triển chiều cao của trẻ em. Nguyên nhân là do thuốc corticoid làm ức chế tác dụng phát triển xương và sụn.

Loãng xương là do corticoid làm mất cân bằng tạo xương hủy xương, làm giảm hấp thu calci ở ruột non.

Ức chế sản xuất hormon tuyến thượng thận, có thể dẫn đến một loạt các dấu hiệu và triệu chứng. Bao gồm mệt mỏi nghiêm trọng, chán ăn, buồn nôn và yếu cơ.

Loét dạ dày - tá tràng thường ít liên quan đến dùng corticoid, trừ những trường hợp dùng liều cao hay phối hợp với thuốc kháng viêm không steroid

Tăng đường máu, có thể dẫn đến hoặc làm nặng thêm bệnh tiểu đường.

Tăng nguy cơ nhiễm trùng

Dùng thuốc corticoid tại chỗ như bôi ngoài da, nhỏ mắt, mũi hoặc xịt, hít cũng có thể có các tác dụng không mong muốn như dùng thuốc corticoid đường toàn thân. Ngoài ra, thuốc bôi ngoài da gây mỏng da và teo da. Do vậy, cách tốt nhất đó là bôi đúng liều, đúng cách và không bôi trên diện tích da rộng. Xịt, hít họng có thể gây nhiễm nấm candida và tình trạng khó phát âm, vì vậy cần súc họng sau khi xịt hay hít thuốc.

Lưu ý khi sử dụng

- Chỉ sử dụng thuốc Corticoid khi đã được sự tư vấn từ Bác sĩ

- Sử dụng liều lượng thấp hoặc ngắt quãng và dùng corticoid tại chỗ nếu có thể.

- Chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

- Ăn một chế độ ăn ít muối và/hoặc giàu kali.

- Giảm liều từ từ khi ngừng điều trị nếu bạn đã sử dụng corticoid trong thời gian dài. Điều này cho phép tuyến thượng thận của bạn có thời gian để điều chỉnh.

- Với thuốc corticoid đường uống: nên dùng thuốc sau bữa ăn để hạn chế tác dụng phụ của thuốc trên đường tiêu hóa (kích ứng dạ dày).

- Nên súc miệng bằng nước, không nuốt sau mỗi lần dùng thuốc corticoid dạng hít để tránh tác dụng phụ đau họng, nấm miệng.

- Đối với thuốc corticoid bôi da: nên bôi một lớp mỏng trên vùng da bệnh, không bôi thuốc trên vùng da bị trầy xước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn