MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Són phân là tình trạng bệnh lý khi một ít phân rò gỉ ra quần lót của trẻ. Ảnh: Everyday Health

Làm thế nào khi trẻ bị són phân?

Thanh Vân (Theo Everyday Health) LDO | 08/01/2022 09:00
Khi táo bón, nhiều trẻ bị són phân. Đây là một bệnh lý và có thể khiến các bé đau đớn, mệt mỏi, dễ dẫn đến sự tự ti, xấu hổ và ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển chung của trẻ.

Són phân là một dạng bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, khi các bé bị táo bón. Tình trạng này xuất hiện khi một phần phân lỏng ở ruột non lách qua khối phân cứng ở trực tràng và rò rỉ ra ngoài. Các bé dễ bị són phân khi hoạt động mạnh.

Triệu chứng, dấu hiệu khi trẻ bị són phân do táo bón như thế nào?

Rò rỉ phân lỏng trên đồ lót

Táo bón với phân khô, cứng

Tắc nghẽn lòng trực tràng

Tần suất đi tiêu rất ít

Biếng ăn

Đau quặn bụng âm ỉ

Đi kèm với chứng són tiểu vào ban ngày và chứng đái dầm vào ban đêm

Nhiễm trùng đường tiểu lặp đi lặp lại, điển hình ở trẻ em gái.

Tình trạng són phân khi bị táo bón gây ảnh hưởng như thế nào?

1. Mệt mỏi và đau đớn

Khi các khối phân cứng có kích thước lớn bị tắc nghẽn trong đại tràng, các bé sẽ bị khó chịu và đau đớn. Đặc biệt, mỗi khi đi tiêu nhưng gặp tình trạng táo bón, các bé phải dùng nhiều sức lực để rặn. Điều này dẫn đến sự mệt mỏi, đồng thời niêm mạc đại tràng sẽ bị tổn thương do sự ma sát với phân. 

2. Xấu hổ khi bị són phân

Phân són ra ngoài thường không nhiều, nhưng nó lại có mùi rất khó chịu. Điều này khiến bé cảm thấy tự ti và xấu hổ. Lâu dần, các bé sẽ có xu hướng thu mình lại và không dám tiết lộ tình trạng của mình dẫn đến bệnh thêm trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển chung.

Cách hạn chế tình trạng són phân ở trẻ nhỏ

Điều quan trọng là phải điều trị càng sớm càng tốt. Các bé cần được giải phóng tắc nghẽn và hạn chế các thương tổn trong hệ thống đường ruột.

Người lớn có thể cho các bé uống thuốc nhuận tràng để kích thích, làm sạch ruột. Sau đó, để tránh tái phát bệnh, cha mẹ cần tạo cho các bé thói quen đi tiêu thường xuyên, đều đặn. Điều này sẽ khiến ruột duy trì sự thông suốt, kích thích nhu động ruột hoạt động khỏe mạnh.

Dưới đây là một số lời khuyên mà các bậc cha mẹ nên áp dụng cho bé để bé không gặp triệu chứng són phân:

Thực hiện chế độ ăn uống nhiều chất xơ

Uống đủ nước

Huấn luyện trẻ đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu

Khuyến khích trẻ tăng cường vận động, để kích thích nhu động ruột hoạt động.

Đi vệ sinh đúng giờ: Cho trẻ ngồi trong nhà vệ sinh từ 5 đến 10 phút vào một giờ thường lệ mỗi ngày. Tốt nhất là sau bữa ăn chính trong ngày vì lúc này nhu động ruột hoạt động mạnh mẽ nhất.

Tư thế đi vệ sinh đúng: Nên dùng ghế ngồi phù hợp với tầm vóc của trẻ. Nếu dùng chung nhà vệ sinh với người lớn, cần đặt một chiếc ghế nhỏ dưới chân trẻ để trẻ cảm giác thoải mái hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn