MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bênh viện tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp hóc dị vật trong lúc ăn uống, sinh hoạt. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Liên tiếp các ca nhập viện vì hóc dị vật

Thanh Thanh LDO | 28/03/2024 09:32

Thời gian qua, các bệnh viện ở TPHCM liên tục tiếp nhận và xử trí cho nhiều trường hợp bệnh nhân bị hóc dị vật đường tiêu hóa. Nếu không xử lý kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.

Nhập viện vì bị hóc dị vật đường tiêu hóa

Dị vật đường tiêu hóa là một trong những tình huống cấp cứu phổ biến trong đời sống hằng ngày. Các bệnh viện tại TPHCM cũng liên tiếp điều trị các trường hợp nhập viện do gặp tình trạng này.

Theo bác sĩ Hồ Thị Bích Thủy - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, mỗi năm, đơn vị tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp hóc dị vật trong lúc ăn uống, sinh hoạt như xương cá, xương gà vịt, trang sức, đồ chơi… ở mọi lứa tuổi.

Đơn cử trường hợp nữ bệnh nhân 56 tuổi (TPHCM) bị hóc xương cá chép khi ăn tối cùng gia đình. Người này thử nhiều mẹo như uống nhiều nước, nuốt cục cơm lớn… nhưng vẫn không trôi được dị vật. Cảm giác đau tức, nóng rát vùng ngực diễn ra suốt đêm, ngày càng nặng nên phải nhập viện cấp cứu vào sáng hôm sau.

Êkip bác sĩ tiến hành nội soi gắp dị vật là mảnh xương cá dài 1,5cm, đâm ngang thành thực quản, nằm ở vị trí 1/3 giữa thực quản. Người bệnh xuất viện sau 2 ngày.

Tương tự, thời gian qua, khoa Nội soi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cũng liên tục tiếp nhận và xử trí gắp dị vật thành công cho nhiều trường hợp bệnh nhân nuốt phải dị vật vào đường tiêu hóa. Tình trạng này cũng thường xảy ra ở trẻ em.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng thành phố tiếp nhận nam bệnh nhi 2 tuổi (TPHCM) trong tình trạng bứt rứt, quấy khóc, miệng nhiều đàm nhớt. Cách nhập viện 1 giờ, trẻ ăn cháo cá lóc, đột ngột ho, sặc sụa, nôn ói, tím tái và được đưa đến bệnh viện.

Các bác sĩ thực hiện nội soi, gắp dị vật là mảnh xương cá kích thước 1,5 x 2,5cm. Sau đó, trẻ hết khó thở, tỉnh táo.

Xử lý kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm

Bác sĩ Bích Thủy cho hay, tùy vào vị trí nông, sâu mà dị vật sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và xảy ra biến chứng. Nếu dị vật mắc ở vùng họng - thanh quản, bác sĩ thực hiện thủ thuật nội soi bằng đường miệng để gắp ra dễ dàng mà không cần phải gây mê.

Nếu không xử lý kịp thời, dị vật sẽ di chuyển xuống phần ống tiêu hóa như thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Dị vật đâm thủng thực quản sẽ gây áp xe trung thất, rò thực quản, tụ máu hầu họng, tràn mủ màng phổi, màng tim, gây viêm phổi, thậm chí gây tử vong.

Để tránh những biến chứng nguy hiểm khi bị hóc dị vật đường tiêu hóa, bác sĩ Thủy khuyến cáo ngay khi biết mắc xương, người bệnh phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý. Không nên dùng các mẹo dân gian chưa được kiểm chứng khiến dị vật đâm sâu hơn, gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Để hạn chế tình trạng hóc dị vật ở trẻ dưới 3 tuổi, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố lưu ý khi cho trẻ dưới 3 tuổi ăn, cha mẹ phải bảo đảm lựa hết xương cá, hột trái cây. Đồng thời, luôn có người giữ, chăm sóc và theo dõi trẻ dưới 3 tuổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn