MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Liên tiếp tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ: Ai chịu trách nhiệm?

Anh Nhàn - Anh Tú LDO | 19/10/2019 19:02

Việc chỉ trong vòng 1 tuần, đã có 2 bệnh nhân tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ tại 2 cơ sở y tế tại TP. Hồ Chí Minh là hồi chuông báo động cho những ai muốn can thiệp dao kéo. Vậy nên có những thủ tục pháp lý gì khi tiến hành tham gia phẫu thuật thẩm mỹ nhằm đảm bảo quyền lợi khi xảy ra sự cố đáng tiếc?

Như Lao Động đã đưa tin, trong vòng 1 tuần, tại TP. Hồ Chí Minh xảy ra hai trường hợp tử vong thương tâm do phẫu thuật thẩm mỹ, xảy ra tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kang Nam và Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas. 

Trao đổi với Lao Động xoay quanh câu chuyện pháp lý khi tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ, Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, những sự cố khi phẫu thuật thẩm mỹ sẽ xét ở 2 khía cạnh là trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự.

“Về trách nhiệm hình sự thì phía cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra, nếu có dấu hiệu vi phạm về công tác phòng chống, chữa bệnh thì có thể xử lý về mặt hình sự tuỳ mức độ của sự việc.

Ngoài ra, sau khi cơ quan điều tra vào cuộc và có kết luận thì có thể xử lý về mặt dân sự. Phía gia đình bị hại có thể yêu cầu bồi thường về chi phí thuốc men, điều trị, hoặc là chi phí mai táng nếu xảy ra trường hợp tử vong sau phẫu thuật” – Luật sư Trần Minh Hùng trao đổi.

Đồng thời, Luật sư Trần Minh Hùng đưa ra lời khuyên, đối với những trường hợp đã lỡ xảy ra sự cố và có người nhà tử vong trong khi phẫu thuật thẩm mỹ, thì nên tố cáo ra công an, các đơn vị chức năng để xử lý.

Đưa ra quan điểm về những sự cố y khoa liên quan tới phẫu thuật thẩm mỹ, Thạc sĩ Lưu Đức Quang - giảng viên Khoa Luật (Đại học Kinh tế Luật) cho hay, cần phân biệt rõ khái niệm bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám thẩm mỹ và thẩm mỹ viện.

"Hiện các khái niệm trên còn rất nhập nhèm. Giữa một chợ thông tin thật giả lẫn lộn thì rất khó để người bệnh phân biệt đâu là nơi uy tín, có chuyên môn cao, được cấp phép hoạt động. Hơn nữa, rất nhiều bảng hiệu quảng cáo hiện nay đều dùng từ thẩm mỹ viện nhưng không đúng quy định.

Vì thế, cơ quan quản lý cần công khai, minh bạch thông tin về các cơ sở thực hiện dịch vụ thẩm mỹ cho người dân." - ông Lưu Đức Quang nói. 

Về vấn đề pháp lý sau khi xảy ra sự cố phẫu thuật thẩm mỹ, thạc sĩ Lưu Đức Quang đưa ra khuyến cáo: "Trước khi tiến hành phẫu thuật, phải có cam kết giữa cơ sở khám chữa bệnh và bệnh nhân. Trường hợp xảy ra sự cố, sai sót và những vi phạm mà pháp luật nghiêm cấm thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bên cạnh đó, nếu không có cam kết trước phía bệnh nhân vẫn phải thực hiện bồi thường nếu xảy ra sự cố gọi là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng".

Cụ thể, Điều 584 Bộ Luật dân sự 2015 nêu rõ: Điều 1:Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Điều 2: Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Điều 3: Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn