MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Máu của người hiến sau tiêm vaccine có kháng thể ngừa COVID-19 ?

Nguyễn Ly LDO | 04/08/2021 15:33

"Máu của người hiến sau tiêm vaccine phòng COVID-19 và người mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh, trong máu hiến có thể có kháng thể ngừa virus SARS-CoV-2", bác sĩ Trương Hữu Khanh - Chuyên gia dịch tễ học, Nguyên Trưởng Khoa nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết.

Có nên hiến máu sau tiêm vaccine ngừa COVID-19 ?

Điểm tiêm vaccine tại Viện Pasteur TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo quy định tại Thông tư 26/2013/TT-BYT Hướng dẫn hoạt động truyền máu của Bộ Y tế, sau khi tiêm vaccine 7 ngày, người được tiêm có thể tham gia hiến máu, trừ vaccine phòng bệnh dại, rubella, sởi, thương hàn, tả, quai bị, thủy đậu..cần phải trì hoãn hiến máu từ 4 tuần đến 12 tháng. Người hiến máu cần đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe, tuân thủ các quy định khai báo y tế, đảm bảo thật sự khỏe mạnh, an toàn, không có các nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

Sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ nhất, người đã tiêm có thể hiến máu nếu không gặp các triệu chứng sau tiêm như đau cơ, nhức đầu, sốt, nôn ói.. Sức khỏe cần phải được ổn định, khỏe mạnh mới nên hiến máu sau tiêm vaccine.

Trong một báo cáo Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ cho biết, trong quá trình cơ thể có vaccine ngừa COVID-19, các phản ứng miễn dịch của người được tiêm, khi hiến máu không bị gián đoạn khả năng tạo kháng thể của vaccine để bảo vệ cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, khi một người vừa mới được tiêm vaccine ngừa COVID-19, tùy vào thể trạng của mỗi người mà hệ miễn dịch được xuất hiện sớm hay muộn, không chắc sẽ có kháng thể ngay. Có thể sẽ phải mất đến 2 tuần sau mũi tiêm thứ hai, cơ thể mới có kháng thể.

Một lưu ý nữa là tại các điểm hiến máu không có trách nhiệm xác định hay đảm bảo máu của tình nguyện viên có kháng thể ngừa virus SARS-CoV-2 hay không, hay chất lượng máu có sự bảo vệ giống như người được tiêm vaccine. Tuy nhiên, tại thời điểm này, mỗi một giọt máu được hiến có thể cứu được nhiều bệnh nhân mỗi ngày.

Các chuyên gia khuyến cáo, trường hợp một người được chấp nhận hiến máu, đã có lịch hẹn nhưng trùng với lịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, nên hoãn việc hiến máu lại bởi tiêm vaccine và hiến máu cùng lúc có thể khiến cơ thể mệt mỏi hơn.

“Người bệnh nên đợi sức khỏe mình hồi phục hoàn toàn, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính theo chỉ định của bác sĩ, hoàn thành thời gian cách ly y tế đúng quy định. Ít nhất sau 4 tuần kể từ khi bệnh viện kết luận đã khỏi bệnh hãy đi hiến máu” bác sĩ Khanh nói thêm.

Những lưu ý khi đi hiến máu an toàn trong mùa dịch COVID-19

Khi có sức khỏe tốt, nên đi xét nghiệm khẳng định âm tính với virus SARS-CoV-2. Người hiến máu nên đăng ký trước với nơi tiếp nhận hẹn lịch và thời gian chính xác đến hiến máu, tránh tình trạng tập trung đông người.

Khai báo y tế trung thực, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thông báo ngay cho đơn vị tiếp nhận máu nếu đột nhiên xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như ho, sốt, khó thở…

Chỉ hiến máu sau tối thiểu 28 ngày tính từ thời điểm được khẳng định không còn nhiễm virus SARS-CoV-2.

Người hiến máu phải trong độ tuổi từ 18-60, cân nặng từ 42kg trở lên với nữ, nam từ 45kg trở lên, khoảng cách từ giữa 2 đợt hiến máu là 12 tuần, khoảng cách giữa 2 đợt hiến tiểu cầu là 2 tuần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn