MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BS Hạnh thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Thùy Linh

Mỗi ngày hàng chục bệnh nhân sốt xuất huyết "nườm nượp" đến bệnh viện

T.Linh LDO | 04/09/2019 18:38
Sau những ngày mưa, số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu tăng lên. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân dễ gặp phải biến chứng nguy hiểm. 

Trao đổi với phóng viên Lao Động, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Hạnh - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết: "Từ đầu năm 2019, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận vài bệnh nhân sốt xuất huyết nhưng từ đầu mùa mưa, tức khoảng 2 tháng nay, số lượng bệnh nhân tăng lên đột biến, mỗi ngày tại khoa chúng tôi tiếp nhận khoảng chục bệnh nhân phải nằm viện điều trị. Còn chưa kể số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú khoảng 30 bệnh nhân".

Theo bác sĩ Hạnh, thông thường, bệnh nhân phải nhập viện do có một trong các biểu hiện như sốt cao, huyết áp tụt, đau đầu, ngất xỉu, lả đi, chảy máu nhiều, xuất huyết dưới da nhiều, chảy máu chân răng, chảy máu cam, rong kinh, đi ngoài phân lỏng nhiều. Khi sốt, buộc bệnh nhân uống nước nhiều, ăn hoa quả nhiều, nhưng niêm mạc ruột bị xung huyết, hấp thu kém hơn nhiều, vì vậy gây hiện tượng đi ngoài do hấp thu thừa, khiến nhiều bệnh nhân nhầm lẫn mình mắc bệnh tiêu chảy. 

Một số bệnh nhân men gan tăng, tiểu cầu giảm mạnh, khi siêu âm thì thành túi mật dày, túi mật căng, kèm viêm phổi..., vì vậy chúng tôi phải điều trị tích cực, tránh biến chứng nặng.

Một bệnh nhân sốt xuất huyết bị giảm tiểu cầu đang được điều trị. Ảnh: Thùy Linh

Điển hình như bệnh nhân Nguyễn Văn S (hơn 70 tuổi) mắc sốt xuất huyết, vào viện trong tình trạng huyết áp tụt, tiểu cầu giảm, thiếu máu. Các bác sĩ đã phải truyền hơn 10 đơn vị tiểu cầu cho bệnh nhân.

"Khi tiểu cầu không tự sản sinh ra được, dẫn đến thiếu tiểu cầu thì bệnh nhân rất dễ gặp phải tình trạng xuất huyết nhiều nơi như xuất huyết não, xuất huyết dạ dày... sẽ rất nguy hiểm. Tiểu cầu dưới 10 là rất thấp. Nếu không nhập viện điều trị, bệnh nhân sẽ gặp phải những biến chứng nặng nề"- BS Hạnh nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hạnh, bệnh nhân sốt xuất huyết cần được điều trị sớm. Ngay từ khi sốt đã phải uống bù dịch, điện giải, khi vào viện điều trị, có thể bác sĩ sẽ kê một lượng kháng sinh thông thường để chống bội nhiễm, không để các triệu chứng viêm họng, viêm xoang... nặng lên. Đồng thời, bệnh nhân cần tăng cường bổ sung vitamin, bổ sung khoáng, magie..., nếu rất dễ gặp phải các triệu chứng như mỏi cơ, đau đầu, bứt rứt dưới da.

Bệnh sốt xuất huyết, nếu được quản lý tốt, hướng dẫn tốt thì vẫn có thể điều trị tại nhà, cần uống vitamin bổ sung, ăn uống sạch sẽ, vệ sinh tốt... Tuy nhiên, tránh tình trạng bệnh vừa khỏi đã vận động mạnh, đi làm bình thường, sẽ khiến cơ thể dễ bội nhiễm vì sau khi sốt xuất huyết, cơ thể rất yếu, thậm chí là không có miễn dịch.

Bác sĩ cũng cảnh báo bệnh nhân cần nghỉ ngơi trong vòng 1 tuần, phòng bệnh, ăn uống tốt, tăng cường chăm sóc cơ thể đến khi phục hồi hoàn toàn mới đi làm bình thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn