MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ em và người lớn cần được tiêm đúng lịch, đủ liều ngay cả trong mùa dịch.

Mùa dịch COVID-19: Hiểu đúng về vắc xin để bảo vệ cộng đồng tốt hơn

AN AN LDO | 25/06/2021 09:05

Tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em và người lớn giảm gần 50% từ đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, đe dọa nguy cơ tử vong và gia tăng gánh nặng lên hệ thống y tế vốn đã căng thẳng do đại dịch COVID-19 gây ra.

COVID-19 đang khiến nhiều hoạt động tiêm chủng bị gián đoạn, đe dọa thành tựu tiêm chủng mà nước ta đang nỗ lực để duy trì và đạt được bằng vắc xin như thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ bệnh sởi. Ước tính hơn 80 triệu trẻ em dưới một tuổi ở hơn 68 quốc gia sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn này và có nguy cơ mắc các bệnh bại liệt, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Haemophilus influenzae týp b, phế cầu và các bệnh nhiễm nguy hiểm khác.

“Đã có trẻ trì hoãn tiêm chủng, thậm chí trì hoãn khám bệnh vì phụ huynh lo lắng COVID-19, khiến bệnh tình của trẻ trở nặng”, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM cảnh báo.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, phụ huynh hạn chế ra đường khi không cần thiết là đúng, nhưng an toàn cho trẻ cũng rất quan trọng. Đừng vì sợ COVID-19 mà bỏ qua “thời gian vàng” khám chữa bệnh, đặc biệt là tiêm chủng vắc xin cần thiết khác cho bản thân và trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh lúc 2-3-4 tháng tuổi cần uống Rotavirus, tiêm vắc xin phế cầu khuẩn, tiêm vắc xin kết hợp phòng 5 - 6 bệnh cùng lúc như ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do Hib. Trẻ lớn cần tiêm nhắc các vắc xin phòng não mô cầu, viêm não Nhật Bản… Phụ nữ trước khi mang thai lần đầu, cần tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, cúm, viêm gan B… để có thai kỳ khỏe mạnh, hạn chế trẻ bị dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, sinh non… Người lớn tuổi cần được tiêm cúm, viêm phổi do phế cầu, ho gà - bạch hầu - uốn ván…

“Các bệnh viện nhi và các trung tâm tiêm chủng hiện nay vẫn hoạt động với nguyên tắc nâng cao phòng chống dịch, phụ huynh cho trẻ đi khám hay đi tiêm không nên đi nhiều người, nên mang nón che giọt bắn và tuân thủ nguyên tắc 5K như mang khẩu trang, khai báo y tế,...”, bác sĩ Khanh nói

Riêng với vắc xin COVID-19, hiện đang có nhiều thắc mắc quanh vắc xin và công tác tiêm chủng. Ai nên và không nên tiêm vắc xin phòng COVID-19? Có mấy loại vắc xin phòng COVID-19? Loại nào hiệu quả nhất? Tác dụng phụ khi tiêm vắc xin COVID-19 là gì? Người mắc bệnh nền có được tiêm vắc xin COVID-19 không?

20h thứ 6, ngày 25.6,2021, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “Giải đáp thắc mắc về tiêm vắc xin COVID-19 và các loại vắc xin quan trọng trong mùa dịch” với sự tham gia của PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam; GS.TS Nguyễn Trần Hiển - Nguyên Chủ tịch Hội Y học Dự phòng Việt Nam; BS Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng I, TP.HCM; BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa và bà Vũ Thị Thu Hà - Giám đốc Cung ứng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.

Quý độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây để được các chuyên gia giải đáp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn