MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rắn cạp nia cắn thường để lại dấu răng rất nhỏ, phải tìm kỹ mới thấy. Ảnh: K.Q

Mùa mưa - cẩn trọng với rắn độc

Khương Quỳnh LDO | 08/08/2017 06:30
Ghi nhận tại các bệnh viện, cứ vào mỗi mùa mưa, số bệnh nhân bị rắn độc cắn lại gia tăng. Đáng chú ý, do sơ cứu không đúng cách, nhiều bệnh nhân bị mất mạng oan uổng, có người lại bị hoại tử tay chân, nhiễm trùng máu… có bệnh nhân bị rắn cắn mà không biết.

Bị rắn cắn, tưởng… tai biến

Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn khá nghiêm trọng. Ông N.Đ.C (62 tuổi, ở Bình Phước) được chuyển lên Bệnh viện trong tình trạng suy hô hấp. Vợ ông cho biết, 6 tiếng trước khi ông nhập viện, ông C bị rắn cắn vào chân khi đang ngủ trong mùng. Vợ ông đập được con rắn và mang lên cho bác sĩ xem. Các bác sĩ xác định rắn mà người nhà đem lên là loại rắn cạp nia có sọc trắng đen xen kẽ.

Anh N.V.B (45 tuổi, ở Đắk Lắk) cũng suýt mất mạng vì bị rắn cạp nia cắn. Anh B cho biết, anh bị rắn “tấn công” khi vừa mở cửa nhà để đi làm: “Vừa mở cửa thì tôi đạp trúng một con rắn và bị nó cắn vào chân. Theo phản xạ, tôi chỉ vội đá ra và la lên”. Người nhà đã đưa anh đi đến Bệnh viện tỉnh cấp cứu. Sau 2 tiếng bị rắn cắn, anh có biểu hiện sụp mi mắt, khó nói, khó thở. Các bác sĩ bệnh viện tỉnh đã tiến hành đặt nội khí quản và chuyển anh xuống Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

Trường hợp của ông N.Đ.C và N.V.B may mắn thoát chết nhờ được phát hiện, đưa đi cấp cứu, truyền huyết thanh kịp thời. BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới và đơn vị chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, rắn cạp nia là loại rắn độc và được xếp vào nhóm rắn hổ. Nọc độc của rắn hổ khiến nạn nhân bị nhiễm độc thần kinh với các triệu chứng sụp mi mắt, khó nói, nói đớ, khó thở. Nếu không cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể tử vong do ngưng thở. Loại rắn này đặc biệt thích hơi ấm của người nên có thể chui vào chăn, nệm và tấn công người.

Bên cạnh đó, theo BS Anh Thơ, rắn cạp nia nguy hiểm ở chỗ khi cắn người thường để lại dấu răng rất nhỏ, phải nhìn rất kỹ mới thấy. Đó là lý do nhiều người bị rắn cắn trong lúc ngủ nhưng người nhà không biết là bị rắn cắn vì không nhìn thấy dấu răng. Với tình trạng liệt người, giãn đồng tử của bệnh nhân, người nhà rất dễ hiểu lầm bệnh nhân bị tai biến và cho nhập viện ở khoa Nội –thần kinh. Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận một số trường hợp như vậy. Tuy nhiên, khi bác sĩ tiến hành các xét nghiệm, chụp não mới thấy sự khác biệt. Não bệnh nhân bị rắn cắn bình thường, không có tình trạng nhồi máu hoặc xuất huyết, xét nghiệm thấy hạ natri máu. Loại trừ nguyên nhân bị tai biến cộng với khám lâm sàng, bệnh nhân mới được chuyển về điều trị tại chuyên khoa Bệnh nhiệt đới và đơn vị chống độc.

BS Võ Ngọc Anh Thơ khám cho bệnh nhân bị rắn độc cắn. Ảnh: K.Q

Hoại tử chi vì sơ cứu không đúng cách

Theo các bác sĩ chuyên khoa Bệnh nhiệt đới và chống độc, nọc độc của rắn có thể chia ra thành hai nhóm. Nhóm rắn lục, chàm quạp, sài cổ đỏ… có thể gây ra hiện tượng rối loạn đông máu ở bệnh nhân. Khi trúng độc loại rắn này, bệnh nhân có thể có hiện tượng xuất huyết nhiều nơi trong cơ thể (chảy máu chân răng, chảy máu cam…). Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị xuất huyết nội tạng, xuất huyết não và dẫn tới tử vong. Nếu trúng nọc độc của nhóm rắn hổ như rắn hổ chúa, hổ mèo, hổ đất, cạp nong, cạp nia… bệnh nhân sẽ gặp tình trạng nhiễm độc thần kinh. Bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp.

BS Võ Ngọc Anh Thơ cho biết, mỗi năm, khoa tiếp nhận khoảng 1.000 trường hợp bị các loại rắn cắn. Đặc biệt, vào mùa mưa, bệnh nhân nhập viện có xu hướng nhiều hơn bởi đây là mùa cây cối xanh tốt, rậm rạp và là mùa thuận lợi để người nông dân canh tác nên khả năng tiếp xúc, bị rắn tấn công cũng cao hơn.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân xử trí sai khi bị rắn cắn dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, hoại tử chi. Đó là những bệnh nhân ngay sau khi bị rắn cắn đã tìm đến thầy lang, đắp lá cây trực tiếp và vết thương gây nhiễm trùng. 3-4 ngày sau, bệnh nhân mới lên bệnh viện khi vết thương đã sưng nề, có vùng da bị hoại tử, nhiễm trùng nặng. Có trường hợp bệnh nhân bị rắn cắn đã cột garo quá chặt dẫn đến máu không lưu thông được và hoại tử. Đó là lý do có bệnh nhân bị hoại tử chi một cách đáng tiếc.

Các bác sĩ cho biết, sai lầm thường thấy của bệnh nhân khi bị rắn cắn là tiến hành cột garo vì nghĩ rằng sẽ ngăn chặn nọc độc rắn di chuyển vào máu. Tuy nhiên, thao tác này đòi hỏi phải được thực hiện đúng mới mang lại hiệu quả. Nếu cột sai, do tình trạng rối loạn đông máu cộng với việc máu không lưu thông, bệnh nhân có thể bị hoại tử phần dưới điểm cột.

Một sai lầm thường thấy khác, nhiều người tự ý rạch da tại nơi bị rắn cắn và nặn máu với hi vọng hút được nọc rắn ra ngoài. Nhưng cách làm này tạo thêm những vết thương mới và nếu bị rắn cắn gây rối loạn đông máu sẽ càng nguy hiểm vì khiến máu chảy không ngừng, gây mất máu. Mặt khác, nhiều người sau khi rạch da đã đắp lá thuốc lên vết thương. Điều này có thể gây nhiễm trùng tại chỗ, nặng hơn là nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng huyết có thể dẫn đến tử vong.

Do đó, BS Thơ khuyên để phòng ngừa rắn cắn, người dân nên đeo ủng khi ra vườn, vùng rậm rạp. Khi đi nên cầm theo cây gậy dài, khua khoắng vào vùng cỏ rậm rạp để đuổi rắn trước. Nếu chẳng may bị rắn cắn, nạn nhân và người thân trước hết phải bình tĩnh, sau đó, dùng xà phòng và nước sạch để rửa vết thương. Bước này rất quan trọng, có tác dụng rửa một phần nọc độc bên ngoài da. Sau bước này mới băng ép vết thương cho nạn nhân. Băng ép mức độ vừa phải, không quá chặt. Sau khi đã băng ép, nạn nhân phải được đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu, truyền huyết thanh giải độc. Người thân nếu đập được con rắn đã tấn công nạn nhân có thể đem lên để bác sĩ xem, xác định loại rắn và truyền huyết thanh cho bệnh nhân nhanh chóng hơn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn