MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mỹ phẩm nhái ngụy trang tinh vi khiến người dùng ôm cái kết đắng

Nhóm PV LDO | 20/01/2024 17:32

Các nền tảng mua sắm trực tuyến phát triển tạo sự thuận lợi cho nhiều đối tượng kinh doanh mỹ phẩm giả, kém chất lượng. Chỉ vì sự cả tin, nhiều người tiêu dùng phải chịu hậu quả nặng nề khi sử dụng.

Ôm đớn đau "tiền mất tật mang"

Việc dễ dàng mở cửa hàng kinh doanh bằng nhiều hình thức khác nhau, từ kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội, livestream quảng cáo tiếp thị liên kết, đến các sàn thương mại điện tử, nhiều đối tượng đã bất chấp mọi hậu quả, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng chỉ vì lợi nhuận trước mắt.

Như Lao Động đã phản ánh thực trạng thật giả lẫn lộn, không ít sản phẩm được giới thiệu, quảng cáo bị thổi phồng công dụng, bị đánh tráo… đang được phát tán nhanh chóng không chỉ từ các tiểu thương mà còn từ sự tiếp tay của cả những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, hay còn được giới trẻ gọi bằng thuật ngữ “reviewer”.

This browser does not support the video element.

Từng không may mua phải mỹ phẩm giả và chịu hậu quả nặng sau khi sử dụng, Huyền Anh tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội (tên nhân vật đã được thay đổi) chia sẻ, cô mua sản phẩm làm đẹp trên Tiktok trong ngày hội giảm giá. Khi đó, Huyền Anh thấy giá hời và đọc đánh giá bình luận về sản phẩm rất tốt nên đã mua về thử sử dụng.

“Sản phẩm được đóng hộp khá bắt mắt, sử dụng hình ảnh, logo của công ty được in ấn sắc nét với tem nhãn chống hàng giả. Đặc biệt, sản phẩm được bày bán ở cửa hàng mỹ phẩm nổi tiếng và giá bán cũng rất cao, không chênh lệch với giá hàng thật là mấy nên rất khó nhận biết. Bản thân tôi cảm thấy hối hận khi mua mỹ phẩm online bởi cái giá đánh đổi quá đắt. Cho đến hiện tại, tôi vẫn còn bị ám ảnh vì làn da sưng đỏ dị ứng” - Huyền Anh nói.

Mỹ phẩm “giả” nhưng hậu quả “thật“. Ảnh: Nhóm PV

Khi không đủ kiến thức, trải nghiệm và kinh nghiệm sử dụng sản phẩm, người tiêu dùng lãnh đủ hậu quả, không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe và thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, khiến người tiêu dùng trở nên tự ti.

Thu Hiền tại Cầu Giấy, Hà Nội (tên nhân vật đã được thay đổi) chua xót khi trở thành nạn nhân của mỹ phẩm giả. Dù đã trải qua thời gian dài điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ da liễu, kết hợp kiêng cữ khổ sở, hai bên gò má, phần môi trên của Thu Hiền vẫn sưng tấy. Đặc biệt, vết sưng đang có dấu hiệu chuyển dần sang thâm sạm.

"Lần đầu sử dụng kem dưỡng trắng mua trên mạng, tôi cảm thấy da có phản ứng ngứa ngáy. Tuy nhiên, theo thông tin hướng dẫn sử dụng, đó chỉ là phản ứng thông thường nên tiếp tục dùng.

Đến lần sử dụng sau, da mặt tôi bỏng rát, vùng da bôi kem trở nên ửng đỏ, sưng tấy. Tôi vội vàng rửa mặt nhưng gương mặt chỉ sau 15 phút bôi thứ sản phẩm ấy đã sưng nề và nổi mẩn. Kết quả khám tại bệnh viện cho thấy, tôi bị viêm da dị ứng" - Thu Hiền kể.

Vì ham rẻ trước mắt mà cái giá phải trả sau đó lại đắt hơn rất nhiều. Người bán bị lợi ích che mờ mắt còn người tiêu dùng thì tin theo những lời quảng cáo có cánh. Hậu quả xảy ra khiến người tiêu dùng không còn cách nào khác ngoài tìm đến các cơ sở y tế uy tín và bỏ ra số tiền không nhỏ cho việc chữa trị.

Người tiêu dùng cần có kỹ năng tự “cứu” mình

Trong tình huống “tiền mất, tật mang”, khi đã lãnh chịu hậu quả do mỹ phẩm giả, kém chất lượng để lại, nhiều người chỉ còn cách tìm đến các cơ sở y tế, phòng khám chuyên khoa da liễu để chữa trị.

BSCK II Phạm Thị Thảo - Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - cho biết, trong quá trình hành nghề khám da liễu, chị đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám vì tác dụng phụ không mong muốn của mỹ phẩm, hoá chất không rõ nguồn gốc.

Bác sĩ cảnh báo về những hệ lụy khi sử dụng mỹ phẩm giả. Ảnh: Nhóm PV

Theo bác sĩ, người tiêu dùng cần trang bị cho mình những kỹ năng phân biệt, lựa chọn mỹ phẩm phù hợp, tìm hiểu thông tin tại các trang web, cửa hàng chính hãng của nhãn hàng… để hạn chế rủi ro.

Khi có các nhu cầu chữa trị da, nên đến thăm khám trực tiếp tại các cơ sở y tế uy tín về da liễu thay vì nghe thông tin từ các "reviewer", mua và sử dụng những sản phẩm đặc trị không rõ nguồn gốc đang tràn lan trên thị trường.

“Là phụ nữ, ai cũng mong muốn có làn da chắc khỏe và đẹp, nhưng chị em nên chọn những cơ sở da liễu uy tín, được Bộ Y tế cấp phép.

Khi khám bệnh tại các bệnh viện da liễu hoặc các cơ sở tư nhân được cấp phép, bạn sẽ được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa và các mỹ phẩm sử dụng đều được qua sàng lọc thử nghiệm rất nhiều bước nên vấn đề chất lượng sản phẩm được đảm bảo" - bác sĩ Thảo nói.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những hành vi buôn bán, kinh doanh, tiếp tay kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Nếu mua phải mỹ phẩm giả, kém chất lượng, người tiêu dùng hãy lên tiếng cảnh báo vì sức khỏe cộng đồng hoặc báo cho cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn