MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
eSIM được đánh giá là một xu hướng mới với nhiều tính năng vượt trội, song cũng có những bất tiện không thể tránh khỏi. Ảnh: PV

eSIM - trải nghiệm mới và những bất tiện

Đức Thành LDO | 07/02/2019 17:14
Cộng đồng khách hàng sử dụng điện thoại di động đang phát sốt với dịch vụ eSIM – một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ chỉ có thể cung cấp cho những người sử dụng điện thoại Iphone XS. Thế nhưng, eSIM có thực sự an toàn và tốt hơn SIM truyền thống hay không?

Nhiều khách hàng đang rất băn khoăn về vấn đề này.

Chỉ điện thoại Iphone đời mới nhất mới dùng được

Cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone đều đang có những bước chuẩn bị khá kỹ lưỡng trước khi chính thức tung dịch vụ eSIM vào thị trường. Phải biết rằng, ngay cả trên thế giới, dịch vụ eSIM cũng khá mới mẻ và mới chỉ được cung cấp tại 24 quốc gia.

eSIM được biết đến từ năm 2017 nhưng chỉ thực sự phổ biến sau khi Apple tuyên bố iPhone Xs, Xs Max hỗ trợ eSIM. Nhắc tới eSIM, người ta hiểu rằng đó là một vật thể có chiều dài và chiều rộng dưới 5mm, được hàn vào bảng mạch của thiết bị khi sản xuất nhưng vẫn có chức năng như thẻ SIM thông thường và được đánh giá mang đến trải nghiệm tốt hơn khi kích hoạt và quản lý điện thoại.

Trong quá trình cài đặt, người dùng có thể chọn nhà mạng và gói cước mình muốn. Khi di chuyển quốc tế, về mặt lý thuyết điện thoại của bạn sẽ biết vị trí địa lý đã thay đổi và cung cấp một số điện thoại cũng như gói cước của nhà mạng địa phương. Một cách dễ hiểu nhất, khách hàng sẽ không cần cắm thẻ SIM vào máy để sử dụng dịch vụ của nhà mạng nữa.

Cả 3 nhà mạng lớn của Việt Nam đều đang hứa hẹn sẽ sớm cung cấp dịch vụ eSIM ngay từ tháng 2.2019. Hiện tại, một số ít khách hàng đã có thể sử dụng trải nghiệm. Đại diện Viettel cho biết, thay vì phải ra cửa hàng để nhận được thẻ SIM vật lý, tới đây khách hàng Viettel có thể chọn cách đăng ký trực tuyến để nhận được mã QR code chứa thông tin số điện thoại, và kích hoạt thông qua ứng dụng chụp ảnh (hoặc ứng dụng tra mã QR code có sẵn trên máy).

Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, cho biết: “eSIM không cần phải tháo lắp để kích hoạt hoặc chuyển đổi như SIM vật lý nên tối ưu được tính thuận tiện. Trong thời gian tới, eSIM có thể lắp vào chiếc xe điện để giám sát hành trình, chống trộm hiệu quả và kết nối các ứng dụng thông minh” - ông Thắng nhấn mạnh.

Một số bất tiện hơn SIM vật lý

Tuy nhiên, eSIM cũng có nhược điểm từ góc độ người dùng. Với việc phải thường xuyên đổi điện thoại, thay vì chỉ cần rút thẻ SIM từ máy này lắp vào máy khác, việc chuyển đổi eSIM không hề đơn giản. Bạn sẽ phải kích hoạt nó thông qua phần mềm trên thiết bị, đặc biệt là trong những tình huống cấp bách như hết pin, hoặc các tình huống bất khả kháng khác.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về những nguy cơ có thể xảy đến một khi người sử dụng mất điện thoại hoặc thay đổi điện thoại sẽ gặp khó khăn trong việc làm mới SIM, đại diện nhà mạng Viettel cho biết: “Sau khi eSIM kích hoạt thì SIM gắn liền với máy. Muốn đổi máy, khách hàng buộc phải ra cửa hàng (hiện nay) để tạo QR code mới và làm như lúc mới kích hoạt. Trong tương lai khi hệ thống tốt, xác thực được khách hàng từ xa, nhà mạng gửi lại QR code cho khách hàng để khách hàng tự thao tác. Hiện nay vì không xác thực được khách hàng từ xa nên chỉ có cách ra cửa hàng làm lại SIM (như kiểu mất máy).

Đối với trường hợp hỏng SIM, đại diện này cho biết: “Vì eSIM là một dạng phần cứng được hàn thẳng vào máy nên nếu hỏng chức năng này thì phải đem máy ra cửa hàng Apple để bảo hành máy. Nếu là lỗi phần mềm thì chỉ cần load lại profile trên chính máy cũ là được (xác suất này gần như không có)” – vị đại diện trên nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn