MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM

Ngăn ngừa u đại tràng từ thói quen sinh hoạt và ăn uống

Thanh Thanh LDO | 28/03/2023 11:44
Thói quen sinh hoạt không điều độ và ăn uống thiếu khoa học khiến tỉ lệ người mắc u trực tràng gia tăng, đối diện nguy cơ mắc phải ung thư đại tràng.

Thầy thuốc ưu tú - Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Hữu Tùng - Phó giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khối u ác tính thường lớn về kích thước, xâm lấn khu vực xung quanh. Khối u ác có kết cấu chắc, bờ không đều, cố định chặt vào tổ chức và khó di động khi thăm khám. Ngược lại, khối u lành tính thường mềm, bờ đều, có ranh giới với tổ chức xung quanh, dễ di động khi thăm khám.

Hiện nay, nhiều thế hệ máy nội soi mới ra đời có khả năng nhuộm màu, phóng đại, giúp bác sĩ nội soi có thể tiên đoán được khả năng ác tính hay lành tính dựa vào sự thay đổi cấu trúc bề mặt, cấu trúc mạch máu của tổn thương và có khả năng phát hiện khi tổn thương còn rất nhỏ.

U trực tràng lành tính và ác tính

U trực tràng lành tính không xâm lấn mô xung quanh hoặc lây lan sang nơi khác. Có thể có 1 hoặc nhiều polyp được phát hiện khi thăm khám. Đối với những polyp nhỏ thường không gây triệu chứng, không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng khi polyp có kích thước lớn, người bệnh có thể có các triệu chứng như chảy máu khi đại tiện, thiếu máu. 

Bên cạnh đó, polyp nếu có cuống dài và hình thành ở gần hậu môn sẽ có nguy cơ sa ra ngoài khi người bệnh đi ngoài, bán tắc ruột, u dưới niêm mạc hiếm gặp hơn như u cơ, u bạch huyết, u máu, u mỡ (lipoma). 

Khối u ác tính hay ung thư trực tràng có tốc độ phát triển nhanh. Đồng thời, khối u có khả năng xâm nhập và lây lan sang các mô lân cận, thậm chí lan đến các cơ quan xa khi ở giai đoạn di căn thông qua hệ thống mạch máu và hạch bạch huyết. Một số bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng như như loét đại tràng lâu ngày, đa polyp, viêm loét trực tràng chảy máu…

Người bệnh có u trực tràng ác tính thường xuất hiện các triệu chứng như đi đại tiện ra máu, phân nhầy, sụt cân và thiếu máu, tắc ruột hoặc bán tắc ruột nếu khối u quá lớn, đau bụng, rối loạn đi tiêu. 

Nguyên nhân gây u trực tràng

U trực tràng lành tính và ác tính có thể do nhiều nguyên nhân gồm ăn uống thiếu lành mạnh, thói quen sinh hoạt độc hại, di truyền. Bên cạnh đó, những người thừa cân, béo phì cũng thuộc nhóm nguy cơ cao bị u trực tràng so với người có chỉ số cân nặng bình thường. Trường hợp mắc các bệnh lý về đại tràng: viêm loét đại trực tràng, u lành tính nhưng có kích thước lớn cũng có khả năng cao là sẽ tiến triển thành loại u trực tràng ác tính.

Trước khi tiến hành điều trị, bác sĩ sẽ xác định khối u thông qua nội soi, siêu âm, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính,… Để xác định chính xác tế bào lành tính hay ác tính, giai đoạn và mức độ bệnh cần thực hiện nội soi kết hợp sinh thiết tổn thương để xét nghiệm mô bệnh học. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp như phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị.

Bác sĩ Phạm Hữu Tùng khuyến cáo khối u ác tính có khả năng phát triển, xâm lấn và lan nhanh nên điều trị triệt để rất khó khăn, khả năng phẫu thuật cắt trọn u và nối trực tràng thấp, tỷ lệ tái phát cao nếu phát hiện muộn.

Việc điều trị không kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Những đối tượng nằm trong nhóm có nguy cơ cao hoặc có dấu hiệu nghi ngờ nên thực hiện nội soi đại trực tràng tầm soát để phát hiện sớm, kiểm soát và điều trị kịp thời, tiên lượng tốt, giảm được tỉ lệ tử vong.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn