MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù mất 1 chân nhưng Phi Quốc Chân vẫn vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: CT

Nghị lực của chàng trai mắc bệnh máu phải cưa 1 chân, học chậm 3 năm

Trương Hằng - Lệ Hà LDO | 25/08/2019 14:30

Câu chuyện của chàng trai Phi Quốc Chân (26 tuổi, Hà Nội) tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Hemophilia tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khiến nhiều người cảm động.

Sinh ra Chân đã không may mang trong mình căn bệnh hemophilia (máu khó đông) và hiện đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ngày trước, do không được điều trị đầy đủ nên Chân chỉ biết sống chung với những cơn đau triền miên vì chảy máu. Suốt thời học sinh, Chân liên tục phải nghỉ học. Mất 3 năm Chân mới học xong lớp 8 và 2 năm mới học xong lớp 10, không phải vì học kém mà vì bệnh tật hành hạ.

Những lần chảy máu tái phát liên tục trong cơ, khớp không chỉ làm Quốc Chân đau đớn mà còn khiến Chân không thể đi lại được. Đi đâu, làm gì Chân cũng phải có người cõng, cảm giác tù túng, phụ thuộc vào người thân khiến cậu không chịu đựng được.

Phi Quốc Chân vượt qua bao khó khăn của cuộc sống và đã tốt nghiệp đại học. Ảnh nhân vật cung cấp

Đến năm lớp 10, chân phải của Quốc Chân bị hoại tử và không thể giữ lại được nữa. Còn gì khủng khiếp hơn với một chàng trai vào lứa tuổi 18, đôi mươi và phải chấp nhận vĩnh viễn mất đi một chân.

Nhưng có lẽ vì đã sống quá quen với nỗi buồn tới mức không thể đau hơn được nữa, Quốc Chân đối mặt với nỗi đau mất chân một cách vững vàng: "Tôi cảm thấy được giải thoát vì trước đây với cái chân đầy thương tổn, bị hoại tử tôi đi đâu cũng cần có người cõng, phải dùng đến xe lăn còn bây giờ tôi có thể tự mình đi lại được”.

Chỉ còn lại một chân và trở lại trường học với những bạn học kém mình 3 tuổi là một trở ngại tâm lý rất lớn, nhiều lúc cậu không muốn đến trường, chỉ muốn thu mình trong bốn bức tường.

Phi Quốc Chân với cuộc sống đời thường. Ảnh: CT

Nhưng ước mong được sống như một người bình thường và những lời động viên của bố mẹ, của người thân đã cho Quốc Chân nghị lực vượt qua tất cả.

Quốc Chân có suy nghĩ: "Tôi không còn coi mình là một người yếu đuối, một người mang bệnh tật rồi cần sự thương hại của mọi người để sống. Tôi tự cho rằng mình là một người bình thường, cũng được đi học, cũng có một gia đình, cũng có những người yêu thương tôi như bao con người khác.

Tôi phải cố gắng để đạt được sự công nhận của mọi người không phải vì thứ bệnh mà tôi mang trong người, mà phải bằng sự nỗ lực, cố gắng của bản thân. Dù phải mất 15 năm mới học xong phổ thông, cho dù vẫn phải phải đi viên đều đặn, nhưng với ý chí quyết tâm, Quốc Chân đã thi đỗ đại học Hà Nội, Khoa Tiếng Tây Ban Nha. Hàng ngày Chân tự đi xe máy để đi học, đi viện mà không phải phụ thuộc vào bất cứ ai.

Hiện Chân đã tốt nghiệp Đại học, bắt đầu đi làm và có cuộc sống hoàn toàn tự lập. Quốc Chân cảm thấy đầy hy vọng vào tương lai: "Đến bây giờ, cuộc sống của tôi đã không còn khó khăn như trước. Tôi đã được điều trị y tế, chăm sóc sức khỏe đầy đủ để được đi học, có những cơ hội trong cuộc sống. Tôi hiểu rằng để có được điều đó chính là nhờ sự cố gắng của người thân, của các y bác sĩ, thầy cô, bè bạn… và của chính bản thân mình. Tôi hiểu rằng tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa trong tương lai”.

TS Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Chủ tịch Hội rối loạn Đông máu Việt Nam cho biết, 20 năm trước đây, tình hình điều trị hemophilia vô cùng khó khăn, cơ sở vật chất, nhân lực và chế phẩm điều trị hemophilia hết sức thiếu thốn. Những nỗ lực của Việt Nam trong 20 năm qua nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và cải thiện cuộc sống của người có hemophilia được Liên đoàn Hemophila thế giới và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Rối loạn chảy máu (hemophilia) là nhóm bệnh có biểu hiện chảy máu kéo dài, lâu cầm mà nguyên nhân do cơ thể người bệnh thiếu các yếu tố cần thiết cho việc cầm máu. Người bệnh nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách sẽ dẫn tới những hệ quả không mong muốn như suy nhược, đau đớn, những biến chứng và tổn thương khớp vĩnh viễn, hoặc nặng hơn là tử vong do chảy máu ở những vị trí nghiêm trọng. Tại Việt Nam, theo ước tính có khoảng trên 30.000 người mang gen hemophilia, 6.200 người mắc các bệnh rối loạn chảy máu trong số đó mới chỉ có chưa tới 60% bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn