MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BS khám răng cho một bệnh nhân người Malaysia. Ảnh: THÙY LINH

Nghịch lý nha khoa Việt Nam: Tây nườm nượp đến chữa răng - ta “bỏ qua” sức khỏe răng miệng

THÙY LINH LDO | 23/08/2018 09:31

Hiện tại, làn sóng khách du lịch đến Việt Nam vừa thưởng thức cảnh đẹp, vừa đi chữa... răng bỗng tăng vọt. Nguyên nhân là do chi phí chữa trị răng miệng ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều các nước trong khu vực và thế giới. Đây là tín hiệu đáng mừng. Đây là nội dung được đề cập tại Hội nghị Khoa học và Triển lãm Răng - Hàm - Mặt Quốc tế diễn ra tại Hà Nội ngày hôm qua, 22.8.

Mỗi năm, hàng trăm nghìn người nước ngoài sang Việt Nam chữa răng

Du lịch nha khoa là một hình thức khá phổ biến tại những nước Châu Á như: Singapore, Thái Lan, Malaysia... và chỉ là một phần của thị trường du lịch chữa bệnh toàn cầu có tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm, ước đạt 143,8 tỉ USD vào năm 2020.

Trong khi Singapore nổi tiếng về điều trị ung thư; Hàn Quốc, Thái Lan nổi danh về phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi giới tính... thì nha khoa là 1 trong 5 loại hình du lịch y tế được TPHCM chọn làm mũi nhọn phát triển để đem lại ngoại tệ và thu nhập cao cho cộng đồng. Lý do cơ bản để du lịch nha khoa tại Việt Nam thu hút là giá làm răng tại Việt Nam thấp hơn các nước từ 3-10 lần. So với Thái Lan, vốn đã nổi tiếng về du lịch nha khoa, giá tại Việt Nam vẫn thấp hơn 30%. Làm một chiếc răng sứ ở Việt Nam tốn từ 60-300USD (1,36-6,8 triệu đồng), thì ở nước ngoài đắt gấp 5 lần. Gói thiết kế nụ cười (design smile) làm tại Việt Nam khoảng 200 triệu đồng (khoảng 8.800USD), thì ở Canada từ 50.000USD trở lên. Sự chênh lệch này đến từ chi phí đào tạo nha sĩ, giá vật liệu, chi phí nhân công.

Đánh giá về triển vọng du lịch nha khoa ở Việt Nam, GS-TS Trịnh Đình Hải - Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, Giám đốc BV RHM Trung ương HN - cho rằng: “Tiềm năng phát triển rất lớn, vì các bác sĩ Việt Nam có tay nghề cao. Mỗi năm, hàng trăm lượt bác sĩ được BV cử ra nước ngoài học tập. Chỗ nào có kỹ thuật mới, tiên tiến nhất thế giới là chúng tôi đến học. Vì vậy, trình độ của bác sĩ răng hàm mặt Việt Nam không xa so với các nước tiên tiến trên thế giới, thậm chí chúng tôi đi trước các nước trong khu vực cả chục năm. Nhưng lương của bác sĩ răng hàm mặt không cao như các nước khác nên giá dịch vụ rất thấp”.

Theo thống kê không chính thức, mỗi năm, có khoảng 100.000 bệnh nhân nước ngoài sang Việt Nam chữa răng và số tổng doanh thu là khoảng 150 triệu USD. Tổng doanh thu của nhóm du lịch chữa bệnh vào khoảng 1 tỉ USD. Cũng theo dự báo trong ngành thì số lượng khách du lịch tới Việt Nam để chữa trị răng sẽ tăng 250% trong vòng 5 năm tới. Việt Nam là một trong những quốc gia với chi phí khám chữa răng có khả năng cạnh tranh cao. So với các nước phát triển, Việt Nam có chi phí khám chữa răng thấp hơn khoảng 50%, nhưng chất lượng dịch vụ và tay nghề chuyên môn của bác sĩ, thiết bị kỹ thuật hiện đại gần như tương đương với các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Theo GS Trịnh Đình Hải, để phát triển du lịch nha khoa, các bác sĩ nha khoa phải chuẩn bị điều kiện, hành trang thật tốt để đón nhận những bệnh nhân người nước ngoài. Đầu tiên phải có ngoại ngữ tốt, thứ 2 là cơ sở phải khang trang sạch đẹp, thì mới có thể thu hút được những khách hàng nước ngoài có yêu cầu cao.

“Nha học đường” đi vào ngõ cụt?

Sáng ngày 20.8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tới dự Lễ khai mạc Hội nghị Khoa học và Triển lãm Răng Hàm Mặt (RHM) Quốc tế VIDEC lần thứ 11. Đáng chú ý hơn, lần đầu tiên vấn đề điều chỉnh “Nha học đường” được đưa ra bàn tại diễn đàn VIDEC, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Sau 30 năm hoạt động, chương trình nha học đường hiện nay không đạt được hiệu quả.

GS-TS Trịnh Đình Hải - Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, Giám đốc BV RHM Trung ương HN - cho biết: Sau 30 năm, mới chỉ 15-20% trẻ em được hưởng, đây là con số quá thấp.

Tại diễn đàn VIDEC này, sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia đến từ các quốc gia trong khu vực, chúng tôi sẽ cân nhắc lại nội dung nha học đường, thống nhất và mở rộng làm sao chỉ 3-5 năm nữa, toàn bộ trẻ em Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ chương trình nha học đường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn