MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ngỡ ngàng cặp vợ chồng bị liệt đón đứa con đầu lòng

Phương Nam LDO | 20/08/2017 07:45
Mặc dù đều bị liệt cả 2 chân nhưng anh Lê Văn Năm (SN 1986) và người vợ hơn anh 6 tuổi (ở Thanh Hóa) vừa vui mừng đón nhận đứa con đầu lòng- bé Lê Trương An Phúc (SN 2017) trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Đó là công bố mới của BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội ngày 18.9.  

Bị liệt vẫn quyết sinh con 

Anh Năm là một chàng trai xứ Thanh, sinh ra và lớn lên như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Đau đớn thay, một vụ tai nạn đã cướp đi đôi chân, khiến cuộc đời anh phải dựa vào chiếc xe lăn suốt đời. Lúc biết không thể đứng trên đôi chân của mình, anh Năm như một cái xác không hồn, mọi ước mơ hoài bão đã chôn vùi tất cả, thậm chí coi như cuộc đời mình đã chấm hết và có lần muốn rời bỏ thế giới hiện tại.

Và rồi, mọi thứ đã thay đổi với cuộc đời anh, khi gặp, yêu và lấy người con gái hơn mình 6 tuổi làm vợ- chị Trương Thị Hà. Nhưng từ đó, khó khăn càng chồng chất khi chị cũng là một người bị bại liệt từ nhỏ. 

“Dù gặp không ít khó khăn, nhưng chúng tôi quyết tâm vượt qua tất cả và cũng như bao cặp vợ chồng khác, vợ chồng tôi cũng mong muốn có một đứa con. Nhưng trớ trêu thay, chúng tôi lại không thể có con như những người bình thường được. Thấy vậy, nhiều người cũng khuyên ngăn vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này”- anh Năm xúc động nói.

Mặc những lời khuyên can, đôi vợ chồng tật nguyền quên đi khó nhọc, quên đi thách thức phía trước, vẫn quyết có con tới cùng, quyết dấn thân vào cuộc hành trình “kiếm con” gian nan.

“Lần đầu tiên đặt chân đến Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng tôi lo lắng, suy nghĩ không biết sẽ ra sao. Rồi bác sĩ thông báo tinh trùng tôi chết và nằm bất động, bị dị dạng nên xác xuất không cao. Đã có lúc chúng tôi thật sự buồn chán, mất hết hy vọng”- anh Năm tâm sự.

Được các bác sĩ động viên, anh chị lại có niềm tin trở lại. Anh Năm kể: “Chúng tôi được các bác bảo vệ cùng các bác sĩ che ô dưới trời mưa nắng, đẩy xe lăn, bế lên gường bệnh để chọc trứng, lấy tinh trùng.… Nếu không phải người bác sĩ tận tâm, họ sẽ không bao giờ có hành động như vậy. Chính bởi vậy, dù đã thất bại lần đầu nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng rằng mình sẽ thành công”.

Đậu thai khó, giữ thai càng khó

Và rồi, giấc mơ của người vợ chồng bại liệt đã trở thành hiện thực. Sau một thời gian điều trị theo phác đồ của bác sĩ, với nhiều lần thất bại, họ đã thành công bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. “Sau 15 ngày đặt phôi, sau khi kiểm tra có thai, vợ chồng tôi lúc đó đã ôm nhau khóc”.

Đậu thai là một thành công, nhưng cùng với đó lại là một hành trình giữ thai đầy cam go. Trong suốt thời gian 9 tháng 10 ngày đó, chị Hà gần như đã phải mang thai nằm, vì trong 3 tháng đầu thì sợ bị sảy thai, 3 tháng giữa thì lại sợ động thai, 3 tháng cuối thì lại lo lắng bị sinh non. Thực tế là đã có lúc cơ hội giữ thai của chị chỉ còn 1/100, nhưng may mắn thay, trong thời gian này, được các y bác sĩ chăm sóc như người thân ruột thịt trong gia đình mình. 

“Chính sự quan tâm của các BS, đặc biệt là BS Hiền đã tạo thêm động lực để vợ chồng tôi vượt qua tất cả gian nan, thử thách. Cuối cùng, vợ tôi đã sinh cháu an toàn và khỏe mạnh, cân nặng 2,6kg. Tôi vô cùng biết ơn các BS”. 

Chia sẻ về trường hợp hy hữu này, BS.CK.II Nguyễn Khắc Lợi- Giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: “Những thành tựu mà Khoa Hỗ trợ sinh sản cũng như bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đạt được trong việc điều trị vô sinh, hiếm muộn là minh chứng cho những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện. Mặt khác, việc gặp những trường hợp khó càng thúc đẩy chúng tôi nỗ lực hơn nữa để mang đến niềm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng chẳng may mắc hiếm muộn. Bởi chúng tôi hiểu rằng, làm cha, làm mẹ là thiên chức thiêng liêng, là khát khao của mọi cặp vợ chồng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn