MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân đái tháo đường cần được tư vấn và giải thích kỹ càng để tránh phát sinh vấn đề tâm lý (ảnh M.P).

Người bệnh đái tháo đường dễ bị rối loạn tâm lý

Minh Phạm LDO | 15/11/2017 07:00
Không chỉ gây ra những bệnh lý liên quan đến nội tiết với những biểu hiện cụ thể và dễ nhận biết, theo các bác sĩ, bệnh nhân bị chẩn đoán đái tháo đường thường sinh ra những rối loạn tâm lý như mặc cảm, tự ti, trầm cảm. Tuy nhiên, bệnh nhân thường không nhận thức được điều đó.

Nỗi mặc cảm bệnh tật

Bà L.T.N (50 tuổi, ở huyện Cần Giờ, TPHCM) mới đây đã phải nhập viện vì tình trạng đường huyết tăng quá cao, sức khỏe suy kiệt. Bà N cho biết, cách đây 5 năm, bà đi khám và được chẩn đoán bị bệnh đái tháo đường tuýp 2. Bà rất lo lắng và chỉ mong có một loại thuốc gì đó có thể trị một lần rồi khỏi ngay.

Sau khi được hàng xóm giới thiệu một bài thuốc với lời cam đoan sẽ giúp chữa hết bệnh, bà N tin tưởng mua về dùng. Sau 6 tháng tự ý dùng thuốc gia truyền, bà N cảm thấy ngày càng mệt mỏi, sụt cân và khát nước nhiều hơn. Bà được gia đình đưa đi khám lại ở bệnh viện thì phát hiện chỉ số đường huyết đã tăng quá cao và được chỉ định nhập viện để ổn định đường huyết.

Bị chẩn đoán đái tháo đường từ khi còn rất trẻ, mới đây, chị N.K.S (37 tuổi, ở An Giang) đã phải đi tìm bác sĩ để giải quyết vấn đề tâm lý. Chị S quá ám ảnh căn bệnh bệnh đái tháo đường. Chị S ăn uống kiêng khem đến mức giảm gần như tối đa đường, tinh bột và chất đạm trong khẩu phần ăn, chỉ dám ăn rau luộc mỗi ngày.

Mặc dù chỉ số đường huyết ổn định, nhưng lúc nào chị S cũng cảm giác mệt mỏi, tâm lý nặng nề: “Đôi khi, tôi không muốn tiếp xúc với những người xung quanh do mặc cảm về bệnh tật. Thời gian dài như thế, công việc tôi bị ảnh hưởng rất nhiều”.

Chị S đã được các bác sĩ đã tư vấn tâm lý kỹ lưỡng và một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ nhưng vẫn giúp ổn định đường huyết. Sau khi được các bác sĩ chia sẻ tận tình, chị đã vượt qua những rào cản tâm lý và tự ti, yên tâm điều trị bệnh đái tháo đường.

Quan tâm đến tâm lý người bệnh

Theo các bác sĩ, tuy không lây lan nhưng tính chất nguy hiểm đái tháo đường nằm ở việc đây là một bệnh mạn tính. Nghĩa là người bệnh phải theo dõi và kiểm soát tình trạng bệnh gần như suốt đời, chứ không thể chữa trị khỏi hẳn.

Chính vì vậy, người bệnh sau khi được bác sĩ chẩn đoán đái tháo đường thường cảm giác rất lo sợ và có tâm lý phản kháng, không muốn mình bị bệnh hoặc hy vọng đây là bệnh lý có thể điều trị khỏi hẳn trong vòng vài tháng.

Hoặc nặng hơn, một số người bệnh có thể bị rối loạn lo âu và trầm cảm. Tâm lý không ổn định khiến người bệnh có những hành động sai lầm, dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng và khó điều trị hơn.

Theo BS CKI Trần Minh Triết - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, những rối loạn tâm lý ở người bệnh đái tháo đường là rất thường gặp, nhưng thường bị bỏ sót trong thực hành lâm sàng. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm, bởi tâm lý của người bệnh là một yếu tố quan trọng trong suốt quá trình điều trị.

Nếu những rối loạn, bất ổn về tâm lý không được nhận biết, giải tỏa và tháo gỡ kịp thời sẽ khiến người bệnh đái tháo đường hoang mang, tìm đến những phương pháp điều trị không khoa học hoặc bỏ dở liệu trình điều trị giữa chừng, khiến cho tình trạnh bệnh nặng hơn và có thể xuất hiện nhiều biến chứng khác.

Hoặc người bệnh có thể rơi vào trạng thái rối loạn lo âu, thậm chí là trầm cảm, khiến việc điều trị khó khăn hơn và chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn