MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người dân cần tiêm ngừa cho chó, mèo để phòng chống bệnh dại mùa nắng nóng

NHƯ QUỲNH LDO | 31/03/2023 09:54

TPHCM - Thời gian gần đây, số ca tai nạn do chó thả rông không rõ mõm tấn công tăng đột biến. Đặc biệt, thời điểm này, các tỉnh phía Nam đang vào cao điểm nắng nóng, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại càng tăng cao. TS.BS Lê Văn Nhân - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ với PV Lao Động xung quanh vấn đề này.

Thưa bác sĩ, nắng nóng là một trong số nguyên nhân khiến nguy cơ mắc bệnh dại tăng cao. Vậy bệnh dại là gì? Tại sao bệnh dại lại gây nguy hiểm đến tính mạng con người?

- Bệnh dại là bệnh viêm não tuỷ cấp tính ở virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu bởi những vết cắn và cả khi vật nuôi liếm vào vùng có vết thương hở. Bệnh dại xuất hiện khắp trên thế giới, đặc biệt ở các khu vực nhiệt đới, trong đó có Việt Nam, tỉ lệ nhiễm bệnh tăng cao vào mùa nắng nóng.

Tình trạng chó thả không rọ mõm ngay trên đường gây nguy hiểm đến những người đi đường. Ảnh: Ngọc Lê 

Thực tế, Bộ Y tế đã xếp bệnh dại vào nhóm B, loại bệnh có thể gây chết người, như thế chúng ta có thể thấy đây là loại bệnh nguy hiểm, lây lan khá nhiều gây ảnh hưởng đến tính mạng con người. Khả năng mắc virus dại chủ yếu do cho chưa được xử lí kịp thời và tiêm phòng chưa đầy đủ. Một khi người bệnh phơi nhiễm và đã lên cơn dại, tỉ lệ tử vong gần như 100%.

Ngoài trường hợp bệnh dại lây nhiễm từ chó, mèo cắn thì còn những trường hợp nào có thể xảy ra nguy cơ mắc bệnh dại, thưa bác sĩ?

- Nhìn chung, những loài động vật máu nóng như cáo, chồn, dơi, chuột… đều có khả năng lây truyền virus dại sang người, trong đó tỉ lệ nhiễm bệnh cao nhất từ chó, mèo. Ngoài trường hợp lây nhiễm virus dại khi bị chó, mèo cắn thì cả khi vật nuôi cào hoặc liếm vào vùng da bị tổn thương đều có nguy cơ nhiễm virus dại.

Theo bác sĩ những biểu hiện khi mắc bệnh dại là gì?

- Thông thường bệnh dại được chia làm 2 thể: thể cuồng và thể dại (thể liệt). Khi người bệnh ở giai đoạn thể cuồng, các phản xạ bị kích thích, đôi khi tiếng động nhẹ cũng làm người bệnh hoảng sợ và tấn công những người xung quanh. Khi người bệnh chuyển sang giai đoạn thể dại, sẽ có những biểu hiện cụ thể như tay chân rũ rượi, rối loạn tiểu tiện… và cuối cùng, đặc biệt nguy hiểm hơn, người bệnh sẽ tử vong do bị tê liệt các cơ quan hô hấp.

Nếu chẳng may bị vật nuôi cắn, người bệnh và cả vật nuôi nên xử lý như thế nào, thưa bác sĩ?

- Khi chẳng may bị vật nuôi lạ và kể cả vật nuôi của mình cắn, cào, liếm thì việc xử trí, dự phòng sau khi phơi nhiễm rất quan trọng. Người bị phơi nhiễm virus dại ngay lập tức cần được rửa vết thương thật kĩ trong vòng 15 phút bằng nước sạch hoặc xà phòng.

Tiếp đến, cần sát khuẩn vết thương bằng cồn y tế để giảm thiếu tối đa lượng virus dại có trong vết thương. Trong quá trình xử lí, chú ý tránh làm tổn thương, đắp kín vết thương. Sau đó, bắt buộc người bệnh phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám, tiêm ngừa dại và có thể tiêm huyết thanh kháng dại (khi có chỉ định của bác sĩ). Bên cạnh đó, cần theo dõi vật nuôi đã cắn, nếu cần thiết nên đưa vật nuôi đến cơ sở thú y để thăm khám và điều trị.

 Một số tình trạng chó thả không rọ mõm tại các khu dân cư. Ảnh: Ngọc Lê

Bác sĩ có những khuyến cáo nào đối với người dân để phòng tránh khả năng mắc bệnh dại?

- Để có thể bảo vệ mình, những người thân trong gia đình và cả những người xung quanh, chúng ta nên tự giác nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân. Đối với những người nuôi thú cúng, cần đem thú cưng đến các cơ sở y tế thú y để tiêm ngừa đầy đủ và thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trường hợp nếu đưa thú cưng đến những nơi công cộng để đi dạo nên cẩn thận rọ mõm thú cưng cho dù thú cưng đã được tiêm dại để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn