MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nước ngọt là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: PV

Người Việt "ăn" đường cao gấp đôi mức khuyến cáo

T.Linh LDO | 22/06/2018 15:23
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo công bố các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường để phòng, chống bệnh không lây nhiễm do Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế tổ chức ngày 22.6.

Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5 g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ là dưới 25g/ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Điều tra về mức sống của hộ gia đình Việt Nam cho thấy 62.86% số hộ gia đình có tiêu dùng nước giải khát. Riêng với trẻ em, kết quả điều tra toàn cầu về sức khỏe học sinh năm 2013, tỉ lệ học sinh Việt Nam thường xuyên sử dụng đồ uống có ga trong 30 ngày của lứa tuổi 13-17 tuổi trung bình là 31,1%, trong đó nam là 35,1%, trẻ gái là 27,6%.

Theo ông Bắc, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, nhiều muối, nhiều sản phẩm có đường, chất béo bão hòa, ăn ít rau, trái cây, thiếu hoạt động thể lực là những yếu tố làm tăng các bệnh không lây nhiễm hiện nay. Trong đó, mức tiêu thụ đồ uống có đường đang ngày càng gia tăng, nhất là ở các quốc gia đang phát triển. Đồ uống có cồn được sản xuất ở quy mô công nghiệp ngày càng có sản phẩm đa dạng và được trẻ em ưu thích. Tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng lên chóng mặt, gấp 7 lần trong 15 năm qua. 

Đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Đồ uống có đường có thể mang lại cảm giác sảng khoái, ngon miệng, ăn được nhiều hơn đồ chiên, nướng. Tuy nhiên, có nhiều báo cáo cho thấy sử dụng đồ uống có cồn sẽ thừa năng lượng dẫn đến tích lũy mỡ, rối loạn chuyển hóa, là nguy cơ cho các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, loãng xương... những biến chứng nặng nề là bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu hiện nay, chiếm tới 33%/tổng số 73% nguyên nhân tử vong hàng năm.

Chưa kể, theo điều tra về tình hình thừa cân béo phì ở Việt Nam do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện, hiện 16% nam giới trưởng thành và 20% nữ giới trưởng thành đang bị thừa cân hoặc béo phì; bên cạnh đó, có 11,7% trẻ em nam và 7,6% trẻ em nữ trong độ tuổi 5 đến 19 đang bị thừa cân béo phì.

Theo báo cáo của Tổ chức Euromonitor International 2016, khối lượng tiêu thụ nhiều nhất là trà uống liền với 2.036 triệu lít, đồ uống có ga 1.056 lít; 356 triệu lít nước ép trái cây. Còn khảo sát của Canadean cho biết, thị trường đồ uống có ga tại Việt Nam đang mở rộng nhanh chóng, sản lượng tiêu thụ đã tăng từ mức 587 triệu lít năm 2010 lên 836 triệu lít năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân là 9,2%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn