MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Số tiền người Việt chi tiền mua thuốc mỗi năm đang có xu hướng tăng lên

Người Việt chi 1,3 triệu đồng tiền thuốc/năm

LH LDO | 02/01/2018 13:48

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), năm 2017 doanh thu của thị trường dược phẩm Việt Nam ước tính đạt 5,2 tỉ USD, tăng khoảng 10% so với năm trước.

Trong năm 2017, trung bình mỗi người Việt chi 56 USD tiền thuốc, tương đương gần 1,3 triệu đồng. Con số này sẽ lên đến 85 USD vào năm 2020 và 163 USD 5 năm sau đó.

Chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng dần từ 9,85 USD trong năm 2005 lên 22,25 USD năm 2010 và con số này vào năm 2015 tăng đến 37,97 USD. Mức tăng trưởng trung bình trong chi tiêu dành cho thuốc hằng năm đạt 14,6% giai đoạn 2010 - 2015 và duy trì ở mức tăng ít nhất 14%/năm cho tới năm 2025, chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam được dự báo tăng gấp đôi lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD trong năm 2025. 

Chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng 

Dược phẩm đang được đánh giá là một thị trường hết sức tiềm năng, thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại, các tập đoàn quốc gia trên thế giới, thậm chí cả những nhà đầu tư trong nước hoạt động ngoài ngành.

Tuy nhiên, ngành dược của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Khoảng 90% nguyên liệu dược phẩm ở Việt Nam phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ, khiến giá thành xuất khẩu thuốc Việt Nam cao hơn 20-15% so với hai quốc gia này.

Trong khi đó, Việt Nam có hệ sinh thái phong phú và đa dạng, tiềm năng lớn về tài nguyên cây dược liệu nói riêng và tài nguyên dược liệu (thực vật, động vật, khoáng vật) nói chung. Điều này thể hiện ở sự đa dạng về chủng loại cây dược liệu (gần 4.000 loài trong số hơn 12.000 loài thực vật Việt Nam cho công dụng làm thuốc), vùng phân bố rộng khắp cả nước, có nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới, như sâm ngọc linh, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bách hợp…

Tuy vậy, việc bảo tồn và phát triển dược liệu ở nước ta đang gặp phải khó khăn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quy hoạch phát triển dược liệu, bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu, tiêu chuẩn hóa dược liệu, hiện đại hóa sản xuất thuốc từ dược liệu.

Điển hình là tình trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta hiện nay còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động. Việc khai thác dược liệu quá mức mà không đi đôi với việc tái tạo, bảo tồn dược liệu đã dẫn đến số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít.

Việt Nam cần quy hoạch nhiều vùng trồng dược liệu quy mô lớn trên cơ sở khai thác các vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thích hợp với sinh trưởng và phát triển của cây dược liệu. Ngoài ra, cần xây dựng nhiều hồ sơ về dược liệu. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn