MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người Việt Nam tại Nhật Bản còn nhiều lo ngại về tiêm vaccine COVID-19. Ảnh minh hoạ: AFP

Người Việt Nam sống tại Nhật Bản gặp khó khăn trong phòng dịch COVID-19

HUYÊN NGUYỄN LDO | 02/05/2021 08:24

Thu nhập, rào cản ngôn ngữ, thói quen tiếp cận thông tin đang là những nguyên nhân khiến nhiều người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản khó tiếp cận vaccine cũng như các thông tin phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Khó khăn về ngôn ngữ

Mới đây, Mạng lưới Học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) phối hợp với các đơn vị tổ chức seminar “Phòng chống Lao và COVID-19 cho người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản”.

Tại buổi trao đổi, TS Masao Hashimoto - Khoa Hô hấp, Bệnh viện NCGM, người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Lao và COVID tại Bệnh viện Trung tâm nghiên cứu sức khỏe toàn cầu chia sẻ về khó khăn trong việc khám chữa bệnh cho người Việt Nam tại Nhật Bản là do khả năng tiếng Nhật chưa được tốt.

Trong bài phát biểu về “Những khó khăn của người Việt tại Nhật trong việc tiếp cận hệ thống y tế dự phòng: Thông điệp từ khảo sát online về tiếp cận vaccine COVID-19”, bác sĩ Phạm Nguyên Quý - Bệnh viện Kyoto Miniren và Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản cũng đề cập nguyên nhân trên.

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý chia sẻ về kết quả khảo sát những khó khăn của người Việt tại Nhật trong việc tiếp cận hệ thống y tế dự phòng.

Trong đó, 50-70% người Việt tại Nhật tham gia khảo sát chia sẻ là lo lắng về việc được tiêm vaccine phòng COVID-19, tính hiệu quả và an toàn của vaccine. Rào cản ngôn ngữ trong tiếp cận y tế của người Việt tại Nhật khiến họ thiệt thòi khi đi khám bệnh như không biết khám ở đâu, không biết quy trình thủ tục hay không giao tiếp được với nhân viên y tế, lấy đơn thuốc nhưng không biết cách dùng thuốc. Vì thế, cần thêm sự hỗ trợ ngôn ngữ cho người Việt tại Nhật.

Bên cạnh đó, người Việt ít đọc báo, xem đài. 74% người tham gia khảo sát cho biết Facebook là thói quen thu thập thông tin của người Việt. Thói quen và khả năng tìm hiểu thông tin y tế của người Việt được các chuyên gia cho là “có vấn đề” khi toàn “nước tới chân mới nhảy”, rất cần thay đổi thói quen này.

Tại buổi trao đổi, bà Sangnim Lee - Nghiên cứu viên, Chuyên gia về người di cư và sức khỏe, Viện Nghiên cứu Lao, nghiên cứu viên, Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (DCC) đã giới thiệu hệ thống tư vấn bằng tiếng Việt để hỗ trợ khó khăn cho những người chưa giỏi về tiếng Nhật.

E ngại chi phí khám, chữa bệnh

Một khó khăn khác của cộng đồng người Việt tại Nhật trong việc tiếp cận dịch vụ y tế là thu nhập theo hộ gia đình của cộng đồng người Việt nói chung đều ở mức trung bình và trung bình-thấp dẫn đến những e ngại lo lắng về chi phí khám chữa bệnh.

Cùng với đó, vẫn có những lo ngại về COVID-19 và tiêm phòng vaccine COVID-19. Có 93% người Việt tại Nhật (theo khảo sát) muốn được tiêm phòng vaccine, nhưng có đến 60% không biết là vaccine được tiêm phòng miễn phí.

Có khoảng 50-70% người Việt tại Nhật tham gia khảo sát chia sẻ là lo lắng về việc được tiêm vaccine COVID-19. Những băn khoăn phổ biến nhất là tính hiệu quả và an toàn, và tác dụng phụ của vaccine; Không hiểu quy trình thực hiện và thời gian được tiêm phòng; Khó thu xếp lịch làm việc và Chi phí phải trả.

Tại buổi trao đổi, các chuyên gia cũng đã cảnh báo về Tình hình mắc lao của cộng đồng người Việt ở Nhật. Theo đó, người Việt Nam thường được chẩn đoán mắc lao trong vòng 5 năm sau khi sang Nhật. Số người Việt mắc lao nhiều nhất tại Tokyo và rải rác khắp các tỉnh thành khác. Đa số người mắc lao là người trẻ (15-34 tuổi) và chủ yếu là sinh viên và người đi làm.

Bệnh lao là bệnh lây qua đường hô hấp, nên khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh thì bắt buộc phải đeo khẩu trang và cách ly điều trị. Dấu hiệu phổ biến là ho kéo dài trên 2 tuần, sốt, đổ mồ hôi trộm, chán ăn, sút cân...

Các chuyên gia lưu ý, bệnh lao được chữa khỏi bằng cách uống thuốc đầy đủ và đúng theo yêu cầu của bác sĩ. Thuốc điều trị lao là hoàn toàn miễn phí hoặc chi phí rất thấp. Sau khi xét nghiệm âm tính với vi khuẩn lao, người bệnh có thể hoàn toàn hoà nhập trở lại với cộng đồng, làm việc bình thường.

Cùng với việc chia sẻ kiến thức, mạng lưới Học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) và Ban tổ chức cũng đã giới thiệu nhiều hệ thống, chương trình kết nối người Việt ở Nhật để hướng đến việc chia sẻ thông tin rộng rãi hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn