MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Uống nước ép rau củ sống có thể bị nhiễm giun sán. Đồ hoạ: Hạ Mây

Nguy cơ nhiễm giun sáng khi uống nước ép rau củ

HẠ MÂY LDO | 02/11/2023 08:30

Theo tư vấn từ Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, nước ép rau củ quả là lựa chọn tốt để giải nhiệt và thanh lọc cơ thể, tăng cường sức khỏe hằng ngày, cung cấp lượng chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa dồi dào. Tuy nhiên, uống nước ép rau củ sống hoàn toàn có thể nhiễm giun sán hoặc ký sinh trùng khác.

Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM, rau tươi có chứa rất nhiều loại ký sinh trùng như giun kim, giun tóc, giun móc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lị… Nhất là các loại rau trồng gần khu vực có nguồn nước, đất bị ô nhiễm.

Đối với các loại củ quả, tỉ lệ nhiễm giun sán hoặc các ký sinh khác là có nhưng không cao so với rau xanh. Vì các loại củ quả có lớp vỏ bảo vệ, khi gọt vỏ, chúng ta chỉ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ tay, các dụng cụ sơ chế và chế biến.

Ngoài ra, các loại giun sán hoặc trứng của chúng và các loại ký sinh trùng có trong rau củ quả thường có kích thước rất nhỏ, khó quan sát bằng mắt thường. Nếu sơ chế không sạch sẽ, nguồn thực phẩm kém chất lượng, giun sán dễ xâm nhập vào cơ thể khi uống nước ép hoặc ăn sống.

Vì có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, bạn vẫn nên uống nước ép rau củ quả thường xuyên. Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm giun sán hoặc ký sinh trùng, chúng ta có thể lựa chọn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, sơ chế và chế biến một cách sạch sẽ.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi chế biến nước ép từ rau củ quả sống, bạn cần phải chọn nguyên liệu sạch, không bị hỏng hoặc thối, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh rau củ trồng ở những khu vực có chất lượng đất, nước kém và bị ô nhiễm.

Khi sơ chế, bạn nên rửa nguyên liệu trực tiếp dưới vòi nước chảy, điều này hữu ích trong việc loại bỏ giun sán, ký sinh trùng cũng như hóa chất tồn dư (nếu có). Tuy nhiên, có một số loại rau chứa các loại ký sinh trùng khó làm sạch bằng nước như sán lá gan, do đó, mọi người không nên dùng các loại rau này để làm nước ép, chẳng hạn như rau muống, rau ngổ, rau rút (rau nhút)…

Chúng ta có thể thay thế bằng các loại rau có tính an toàn cao như cải kale, cần tây, rau bina, dưa chuột, rau mùi tây và bạc hà. Khi chế biến nước ép, cũng cần rửa tay sạch sẽ với xà phòng để tránh nhiễm khuẩn vào thực phẩm. Nếu như bạn có thói quen thường xuyên ăn rau sống, salad, nước ép rau củ quả tươi, việc tẩy giun 6 tháng/lần là điều cần thiết để phòng tránh nguy cơ nhiễm giun sán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn