MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc Tamiflu khi bị cúm.

Nguy hại khi tự ý sử dụng thuốc cúm Tamiflu

Minh An LDO | 28/12/2019 08:33

Số lượng bệnh nhân mắc cúm tại các tỉnh phía Bắc đang gia tăng. Nhiều người dân tự ý mua thuốc Tamiflu ngoài thị trường về sử dụng khi mắc cúm khiến giá thuốc tăng lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng việc tự ý mua và sử dụng thuốc Tamiflu là nguy hại.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 mỗi ngày khám trên dưới 6.000 bệnh nhi khám và điều trị ngoại trú. Thời gian gần đây không có một trường hợp nào được chỉ định dùng thuốc Tamiflu cả. Trong khu vực nội trú gần như rất hiếm có trẻ cần đến Tamiflu.

Bác sĩ Khanh cũng cho rằng: Không hiểu nỗi vì sau người dân lại săn hàng xách tay Tamiflu trên mạng?

"Việt Nam và các nước khác đã có một đợt dùng rất nhiều Tamiflu đó là năm 2009. Lúc này là do xuất hiện cúm bị gọi là “cúm lợn” một chủng mới. Năm nay nếu có cúm thì chắc chắn không phải cúm mới vì cúm mới thì chắc chắn lây ra toàn quốc và toàn thế giới chứ không thể loanh quanh một miền. Đã không phải là cúm mới thì không có mối đe dọa mới, không đe dọa gì mới thì phải dùng đúng biện pháp điều chuẩn từ xưa đến giờ nghĩa là không có dùng Tamiflu tràn lan", bác sĩ Khanh nói.

Trong y khoa có từ gọi là hội chứng giống cúm và do rất nhiều virus khác mà do virus khác thì càng không được dùng Tamiflu. Nhiễm virus điều trị triệu chứng là chính và cần nghỉ ngơi uống đủ nước, giảm ho, giảm xổ mũi và hạ sốt khi cần.

Cũng theo bác sĩ Khanh, Tamiflu chỉ có hàm lượng duy nhất dùng cho người lớn và rất khó dùng cho con trẻ con. Chỉ điều dưỡng và bác sĩ mới biết cách chia liều sao cho đúng theo lứa tuổi. Phụ huynh tự mua, tự chia sẽ rất dễ quá liều và thiếu liều. Tamiflu mà dùng lung tung vô tội vạ sẽ gây kháng thuốc.

Theo các chuyên gia y tế, 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị. Ngoài thuốc Tamiflu bác sĩ sẽ dùng nhiều loại thuốc khác để phối hợp điều trị. Những trường hợp mắc cúm nhưng chỉ ho, chảy nước mũi, sốt nhẹ, chụp Xquang phổi không có tổn thương thì chỉ cần điều trị ngoại trú, nâng cao thể trạng để bệnh tự khỏi.
 Có nhiều cách để phòng tránh cúm.

Bác sĩ Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng: Tamiflu là thuốc kháng virus, nhưng không giống với hầu hết kháng sinh, nó không có khả năng tiêu diệt virus cúm. Tamiflu là thuốc ức chế men neurominidase của virus cúm. Virus cúm sau khi xâm nhập vào cơ thể, đi vào tế bào và nhân đôi, sau đó men này sẽ giúp virus cúm tách ra, rời khỏi tế bào chủ và đi tìm tế bào mới. Tamiflu ức chế sự nhân lên của virus này, làm giảm sự phát tán của virus cúm trong cơ thể.

Tuy nhiên, Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, có triệu chứng sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi và theo chỉ định của bác sĩ. Sau 48 giờ, bệnh nhân chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng.

Tamiflu không phải là “thần dược” trị cúm. Đáng lo ngại, việc lạm dụng Tamiflu có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe, như hiện tượng kháng thuốc này ngày càng tăng.

Khuyến cáo phòng bệnh cúm:

1. Chủ động phòng bệnh cúm bằng cách tiêm văc-xin cúm mùa hàng năm để tăng cường miễn dịch.

2. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Đặc biệt, mọi người cần giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn