MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiên sơ thẩm xét xử vụ án tai biến chạy thận đã hoãn vào ngày 7.5 vừa qua. Ảnh: Sơn Tùng

Nguyên giám đốc BV đa khoa Hoà Bình ở đâu sau tai biến chạy thận 8 người chết?

L.Hà - H.Long LDO | 12/05/2018 07:00
Tại phiên sơ thẩm xét xử vụ tai biến chạy thận làm 8 người chết tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hòa Bình vào ngày 7.5 vừa qua, nhiều luật sư và người đại diện đã có đơn xin vắng mặt.

Trong đó, nguyên giám đốc BV đa khoa Hoà Bình - ông Trương Quý Dương được nhiều người quan tâm cũng không có mặt. 

Tại phiên sơ thẩm (đã được hoãn) ngày 7.5, ông Trương Quý Dương có đơn xin vắng mặt. Phiên tòa sơ thẩm sẽ được mở lại ngày 15.5 tới, nhiều khả năng ông Trương Quý Dương tiếp tục xin vắng mặt.

Ông Trương Quý Dương là người đại diện cho BV đa khoa Hoà Bình ký gói thầu với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn. Sau đó, Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn chuyển gói thầu cho Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh là công ty chuyên xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp tham gia sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị y tế tại BV đa khoa Hoà Bình.

Sự cố xảy ra do nước dùng lọc thận nhiễm hoá chất dẫn đến cái chết của 8 bệnh nhân chạy thận. Trong cáo trạng, Viện Kiểm sát nhân dân cho rằng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với cả ông Trương Quý Dương lẫn Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn. 

 Ông Trương Quý Dương đã xuất cảnh nên vắng mặt tại phiên sơ thẩm?

Ngay sau khi xảy ra tai biến chạy thận vào tháng 5.2017, ngày 9.8.2017, ông Trương Quý Dương đã bị cách chức Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hoà Bình. Thời điểm đó, ông Trần Quang Khánh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hoà Bình cho biết, có thể ông Dương sẽ chuyển xuống làm chuyên viên.

Tuy nhiên, hiện ông Trương Quý Dương đã nghỉ hưu. Khi ông Dương nghỉ hưu thì địa phương sẽ quản lý nên Sở Y tế tỉnh Hoà Bình không nắm được việc  ông Dương xuất cảnh.

Chị Nguyễn Ánh Tuyết - con gái nạn nhân Nguyễn Thị Minh - cho biết: Sau vụ tai biến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các cơ quan, đoàn thể đã đến hỏi thăm, động viên các gia đình nạn nhân. Chỉ riêng ông Trương Quý Dương chưa một lần đến hỏi thăm các gia đình cũng như thắp nén hương cho 8 nạn nhân xấu số.

Tại phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 7.5 sau đó được hoãn, ông Trương Quý Dương đã vắng mặt. Chúng tôi có nghe thông tin từ lâu, ông Dương đã đi nước ngoài. 

Luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) - bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương - cho biết: Quan điểm của tôi là để giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và đúng pháp luật, theo hồ sơ và chứng cứ cho thấy, nếu việc xét xử không có mặt của ông Trương Quý Dương sẽ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Nếu ông Dương không có mặt tại phiên tòa thì vụ án có thể sẽ bị bế tắc.

"Ông Trương Quý Dương là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. Ông Dương cũng là người lãnh đạo trực tiếp nơi xảy ra tai biến chạy thận nhân tạo làm chết 8 bệnh nhân. Theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh thì ông Dương không được xuất cảnh. Đơn vị nào cho ông Dương được xuất cảnh thì cần phải xem xét lại trách nhiệm của đơn vị đó", luật sư Thiệp cho hay.

Trước phiên sơ thẩm, luật sư Trần Hồng Phúc, bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương đã chia sẻ: Người bào chữa thực hiện chức năng, nhiệm vụ gỡ tội cho bị cáo trên cơ sở căn cứ vào hồ sơ vụ án, thu thập chứng cứ, kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa và tuân thủ quy định của pháp luật. Chúng ta chờ đợi phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai ngày 15.5 tới đây theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, bảo đảm quyền tranh tụng của bên buộc tội và bên gỡ tội để làm sáng tỏ sự thật vụ án.

"Tuy nhiên chúng tôi không thể cảm ơn sự vắng mặt của những nhân chứng quan trọng được tòa án triệu tập tham gia tố tụng tại phiên xét xử sơ thẩm", luật sư Trần Hồng Phúc nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn